Đoạn trích “Đất Nước” nằm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn trích từ một trường ca, có thể tồn tại như một bài thơ độc lập hay không, là điều mà lâu nay các nhà biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn chưa có sự cân nhắc cần thiết.
Đoạn trích “Đất Nước” có gánh vác được tư tưởng như một tác phẩm độc lập hay không, lại là vấn đề khác. Vì vậy, đề nghị thí sinh “phân tích tư tưởng” của một đoạn trích cũng đáng được xem như sự lạc quan mạo hiểm từ phía những người ra đề.
Nguyên văn đoạn trích:
“Em ơi, em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm của Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người, lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cái
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
Để làm theo yêu cầu của đề thi Văn, thì hoàn toàn không khó với thí sinh. Bởi lẽ, đoạn trích trên từ “Đất Nước” chứa khá nhiều dữ liệu về những con người làm nên diện mạo đất nước, từ người nổi danh đến người vô danh. Tuy nhiên, để đạt điểm tuyệt đối (5 điểm) thì e rằng không đơn giản, nếu thí sinh chỉ bám chặt lấy đoạn trích, mà không biết mở rộng thêm về tác phẩm “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm.
Thứ nhất: Xét về văn bản, so sánh hai bài “Đất Nước” trong sách giáo khoa, thì bài “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm chỉ là đoạn trích nên không thể mạch lạc và sắc nét như bài “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi.
Thứ hai: Đoạn trích "Đất Nước " được đưa vào đề thi, không phải đoạn thơ hay trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Vì sao? Vì đó chỉ là đoạn chính luận mang phong cách trữ tình, nên phẩm chất mỹ cảm thi ca rất ít.
Vì vậy, để làm sáng tỏ giá trị tư tưởng “đất nước của nhân dân”, thì không thể trông cậy hết vào những câu diễn giải được trích trong đề thi Văn, mà phải dẫn dắt thêm những đoạn thơ thuyết phục hơn của Nguyễn Khoa Điềm trong “Mặt đường khát vọng”, ví dụ: “Những địa danh trôi từ thuở xa xôi/ Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt/ Đã đọng lại thành tên ngươi, tên đất/ Bao năm rồi suốt mặt phá, triền sông/ Nhưng không có con người nào đã trôi hết sâu nông”. Dựa vào luận cứ như trên mới thấy rõ “đất nước của nhân dân”.
Đặc biệt, khi phân tích một đoạn trích "Đất Nước" ít thuyết phục như trong đề thi Văn, nên bổ sung những đoạn thơ hay hơn của Nguyễn Khoa Điềm trong “Mặt đường khát vọng” như “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/ Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa/ Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/ Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào” hoặc “Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu/ Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát/ Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”.
Link nội dung: https://bitly.vn/doan-trich-dat-nuoc-dua-vao-de-thi-van-co-gi-hay-a12394.html