Từ thuở xa xưa, hàng năm, đồng bào các dân tộc tại chỗ (Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai...) vùng Bắc Tây Nguyên đều mở nhiều lễ hội. Theo vòng đời của con người, vòng đời của cây lúa, cũng như đặc thù đời sống cộng đồng đổi thay, chu chuyển; lễ hội ra đời và khẳng định sức sống theo thời gian.
Lễ hội thư rải quanh năm, song với các dân tộc thiểu số Kon Tum, theo niên kỳ, từ cuối mùa mưa, tầm tháng 10, tháng 11 năm trước đến đầu mùa khô, độ tháng 3, tháng 4 năm sau; ấy là "mùa" lễ hội. Theo ông A Đang ở làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, gọi là "mùa" bởi vì đó là thời gian nông nhàn, mọi người rảnh rang mở hội. Ngày xưa, sống nhờ rừng núi, dựa vào thiên nhiên, người Ba Na, Xê đăng, Gia Rai.. mỗi năm chỉ làm một mùa rẫy. Đầu mùa khô, tháng 2 tháng 3, người người dồn sức phát cây, vỡ đất, chờ khi có mưa là tỉa hạt, xuống giống; tháng 9, tháng 10 cuối mùa mưa, nhà nhà tập trung tuốt, cắt lúa xong; mới sang những ngày rảnh rang.
Khi lúa ngô đã đầy kho, heo gà đã đông đàn; theo tâm linh, tín ngưỡng truyền thống, đó cũng là mùa công việc hanh thông, niềm vui kéo đến; là dịp để con người bày tỏ tâm tư, ý nguyện. Các lễ hội được tổ chức vào thời điểm này như lễ mừng lúa mới, bắc máng nước (hay sửa máng nước), mừng năm mới...; hay phổ biến là các lễ hội liên quan đến sự ra đời, lớn lên, trưởng thành của con người và vòng đời của cây lúa; trước hết để cúng cầu, tạ ơn thần linh; sau để bày tỏ niềm vui, cùng nhau giao lưu, chia sẻ tâm tư, ước vọng …
Bởi mang ý nghĩa tạ dâng đấng tối cao, nên lễ hội không bao giờ thiếu phần nghi lễ linh thiêng, trang trọng. Tất cả những gì tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất, ngon nhất... đều được dành cho lễ hội, mà đặc biệt, là được chọn làm lễ vật. Coi như "luật bất thành văn", con vật hiến sinh không bao giờ thiếu, ghè rượu không thể nào quên. Lễ lớn, lũ làng thường dựng cây nêu, thay lời gọi mời, tấu trình với đấng tối cao; thường cúng trâu, cúng bò, cúng dê, cúng heo… Lễ bình thường, chỉ cần con gà…, lễ cúng diễn ra trang trọng, không mất nhiều thời gian; nhưng phần "hội" thì thâu đêm, suốt sáng, có khi kéo dài đến đôi ba ngày. Vì là dịp để gặp gỡ, giao lưu, nên tất cả mọi người trong cộng đồng đều tự nguyện, nhiệt thành. Tất cả đều hăng hái, vô tư đắm mình trong không gian lễ hội.
6 năm đã trôi qua, vợ chồng anh Nguyễn Tín Trung và chị Đào Vũ Nhi, du khách ở thành phố Đà Nẵng mới có dịp trở lại Kon Tum, không quên ghé thăm nhà rông Kon Klor mà tháng 6/2011, họ đã có dịp chứng kiến lễ đâm trâu mừng nhà rông mới vô cùng ấn tượng. Ở Kon Tum, trong cuộc đời mỗi người,linh thiêng và trọng đại nhất là được chứng kiến lễ hội đâm trâu (hay còn gọi là ăn trâu). Ngày trước, lễ đâm trâu thường được tổ chức khi lập làng, mừng nhà rông mới, hay những lúc có sự kiện lớn như mừng năm mới, cúng cầu mưa, cầu may... "Lễ đâm trâu" không phải là một lễ hội riêng biệt, mà chỉ được lấy làm tên gọi cho những lễ hội trọng đại, khi vật hiến sinh là con trâu, có giá trị cao, mang nhiều ý nghĩa.
Cũng như các dân tộc thiểu số anh em, ở Kon Tum, phần "hội" của đồng bào là tổng hòa của âm thanh, màu sắc, đường nét, hình ảnh... của cồng chiêng, điệu xoang, nhạc cụ dân tộc, của men say ngây ngất... Vì lẽ đó, các lễ hội luôn chứa đựng sự lôi cuốn, hấp dẫn kỳ lạ. Được hòa mình trong không gian lễ hội tưng bừng là mong mỏi của không ít du khách đến với mảnh đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Cùng một lễ hội, các dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều mang những nét tương đồng trong việc tổ chức; song mỗi dân tộc cũng có sự khác nhau từ khâu chuẩn bị lễ vật, trang trí, nghi thức hành lễ...; mang nét độc đáo, đặc sắc riêng; làm thành sự đa dạng, phong phú trong bản sắc cộng đồng. Sau lễ hội, mọi người lại cùng nhau trở lại lao động sản xuất; siêng năng, khéo léo tạo ra những sản phẩm mới, hiện vật quý để chuẩn bị cho những lễ hội kế tiếp…
Cùng với các lễ hội phổ biến, thường niên như lễ hội mừng năm mới, mừng lúa mới, lễ sửa máng nước, ăn lúa kho..., hay các lễ trong phạm vi gia đình như lễ cưới, lễ thổi tai, lễ cầu sức khỏe…; ở vùng Bắc Tây Nguyên, còn có thể kể đến các lễ hội đặc sắc, mang nét đặc trưng riêng biệt, như lễ hội Tinh Pênh (Hội bắn) của người Xê đăng nhánh Xơ Trá ở làng KonHra, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà; lễ hội Kiêng làng của dân tộc BRâu làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi; lễ hội Cha Kchah (ăn than) của dân tộc Giẻ Triêng ở vùng biên giới huyện Ngọc Hồi, lễ hội Ét đông (Tết Con Dúi) của người Ba Na nhánh Jơ Lâng ở Kon Rẫy ...
Trải qua thời gian và biến đổi, những lễ hội dân gian không còn nhiều và được thường xuyên tổ chức. Tuy vậy, gắn với yêu cầu bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các lễ hội vẫn được gìn giữ, lưu truyền, làm thành nét đẹp mang đậm dấu ấn của mảnh đất và con người nơi sinh ra nó. Từ năm 2000 đến nay, trong số gần 2.600 lượt lễ hội được tỉnh Kon Tum tổ chức, có 2.088 lượt lễ hội dân gian; thu hút rất đông người dân trong tỉnh và du khách tham gia, hưởng ứng. Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã phục dựng 23 lễ hội truyền thống tiêu biểu, như lễ hội mừng lúa mới, lễ ăn trâu mừng nhà rông mới, lễ mừng nước giọt, lễ lập làng, lễ cưới... của các dân tộc (Ba Na, Xê đăng, Giẻ Triêng). Đặc biệt, được lựa chọn in thành sách để giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc, phải kể đến nét đẹp văn hóa truyền thống của một số dân tộc rất ít người ở Bắc Tây Nguyên, như lễ cưới của người BRâu (huyện Ngọc Hồi), lễ mừng lúa mới và lễ bỏ mả của người Rơ Măm (huyện Sa Thầy).
Bằng sức hấp dẫn và sự lôi cuốn tự thân của mình, các lễ hội truyền thống rất cần được làm sống lại trong đời sống cộng đồng và đặc biệt là cần được quan tâm tạo thành sản phẩm du lịch đặc sắc, gọi mời, giữ chân du khách đến Kon Tum./.
theo kontum.gov.vn
Link nội dung: https://bitly.vn/van-hoa-truyen-thong-vung-bac-tay-nguyen-va-suc-hap-dan-cua-nhung-le-hoi-dan-gian-a13219.html