VUIHOC gợi ý các em khi học các tác phẩm văn học nên tự tạo cho mình sơ đồ tư duy để có thể nhìn ra những ý chính và học dễ vào hơn. Dưới đây là một mẫu sơ đồ tư duy phân tích khổ 2 Tây Tiến.
I. Mở bàiphân tích Tây Tiến khổ 2
- Tổng quan, giới thiệu về tác giả Quang Dũng và tác phẩm Tây Tiến của ông
- Những kỉ niệm đẹp ở vùng núi Tây Bắc được thể hiện một cách lãng mạn và trữ tình trong khổ 2 của bài thơ Tây Tiến.
- Trích thơ:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
......
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"
II. Thân bài phân tích đoạn 2 Tây Tiến
* Tổng quát các ý chính
- Điểm qua đôi nét về đoàn quân Tây Tiến
- Giới thiệu về tác phẩm Tây Tiến (hoàn cảnh sáng tác
* Phân tích thơ
- Hai câu thơ đầu:
+ "Doanh trại": nơi sinh hoạt, huấn luyện và làm việc của bộ đội thường mang lại cảm giác nghiêm khắc, khô khan.
+ Tác giả sử dụng động từ "bừng" thể hiện nguồn ánh sáng rực rỡ, mạnh mẽ
+ "Hội đuốc hoa" mang ý nghĩa là màu sắc của tình yêu (từ chữ Hán có nghĩa là hoa chúc) tức là vừa rạng rỡ vừa duyên dáng
+ "Kìa em" cho thấy sự ngỡ ngàng và kinh ngạc nhưng cũng rất trìu mến
+ "Xiêm áo" là trang phục với vẻ xinh xắn, đẹp đẽ
- Hai câu thơ tiếp theo:
+ "Khèn" là nhạc cụ đặc biệt Tây Bắc mang nét đặc trưng cho vùng đất nơi đây
+ "Man điệu" có hàm ý chỉ một điệu múa, điệu nhạc mang âm hưởng Tây Bắc
+ "E ấp" hay sự ngại ngùng, thẹn thùng của chính các thiếu nữ dân tộc thiểu số
+ "Xây hồn thơ" thể hiện cho vẻ đẹp thơ trữ tình và tâm hồn thơ mộng của người chiến sĩ
- Bốn câu thơ sau:
+ Chiều sương" hiện lên một cách nhẹ nhàng, lãng mạn, thơ mộng khác hoàn toàn với sự hùng vĩ, hầm hố ở đầu bài
+ Đại từ "Ấy" giúp cho hình ảnh buổi chiều sương thêm phần đặc biệt và quen thuộc
+ "Hồn lau" miêu tả hình dáng lau mờ ảo qua màn sương, đem lại một cảm giác sinh động, có hồn cho cây cỏ
+ "Nẻo bến bờ": Nẻo có nghĩa là đường đi, hướng đi ám chỉ việc đi đâu cũng thấy bao la, mênh mông và vô định
+ Tác giả sử dụng điệp ngữ "Có thấy-có nhớ" nhằm thể hiện nỗi lòng nhớ nhung, lưu luyến da diết
+ "Dáng người trên độc mộc" cho thấy sự thướt tha, uyển chuyển cùng với duyên dáng của cánh hoa đong đưa theo dòng nước lũ.
+ "Dòng nước lũ - hoa đong đưa": nước lũ cuồn cuộn và hoa đong đưa nhẹ nhàng tưởng chừng đem lại hình ảnh đối lập nhưng lại vô cùng hài hòa, nên thơ
→ Bút pháp gợi mà không tả
* Nghệ thuật
- Bút pháp tinh tế, tài hoa nhưng không kém phần lãng mạn, trữ tình của nhà thơ Quang Dũng
- Tác giả dành tình cảm rất đặc biệt cho thiên nhiên và con người Tây Bắc cùng với những kỉ niệm đẹp ở nơi đây.
III. Kết bài phân tích tây tiến khổ 2
- Những cảm xúc đọng lại của em về tác phẩm Tây Tiến cũng như tác giả Quang Dũng
>> Mời bạn xem thêm: Soạn Ngữ Văn 12 đầy đủ
Văn học, thơ ca bao đời nay luôn mang tiếng lòng của người nghệ sĩ, là cây đàn đa bậc với nhiều cung cảm xúc khác nhau. Không chỉ vậy thơ ca cũng là cầu nối giữa con người đến với con người, đi tìm chân trời của một người đến chân trời của triệu người. Bài thơ "Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng cũng đã thực sự thay tác giả đến nói lên chính nối lòng, sự tri ân của mình. Đoạn 2 của bài thơ cho ta thấy được những kỉ niệm và nỗi nhớ của tác giả với vùng đất Tây Bắc, đồng thời thể hiện một cách sinh động vẻ đẹp lãng mạn và hào hoa của chiến sĩ trong quân đoàn Tây Tiến.
Mở đầu đoạn 2 là bốn câu thơ miêu tả chiến sĩ Tây Tiến trong một đêm lửa trại với những ấn tượng sâu sắc, những cảm nhận tinh tế:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về viên chăn xây hồn thơ”
Một tiếng reo hò vui vẻ dường như xuất hiện ngay ở câu thơ đầu tiên. Lần thứ hai, danh từ "lửa” và "đuốc” được liên tưởng tới hoa trong đêm sương ở Mường Lát. Lần đầu tiên, các chiến sĩ Tây Tiến khi nhìn đuốc soi đường lung linh, huyền ảo mà thấy như "hoa về trong đêm hơi” còn lần này thì là trong đêm lửa trại giữa bản làng miền Tây Bắc . Nghệ thuật ẩn dụ kết hợp cảm hứng lãng mạn đã khiến cho ánh lửa bập bùng ở nơi bóng quân trở thành một đuốc hoa rực rỡ gợi nên liên tưởng thi vị, tình tứ lại đem đến cả niềm vui náo nức, rạo rực cho lòng người, niềm vui ấy khiến cho đêm liên hoan giữa bộ đội và dân làng trở thành một đêm hội thực sự vui vẻ, tưng bừng. Cụm động từ "bừng lên” như một điểm nhấn tươi sáng cho toàn câu thơ, nó không chỉ đem tới ấn tượng về ánh sáng vừa chói lóa, vừa đột ngột của lửa, của ngọn đuốc, xua đi cái tối tăm và lạnh lẽo của thiên nhiên núi rừng mà còn thể hiện được niềm vui sướng rạo rực hiện lên trong lòng người. Người đọc có thể hình dung ra những ánh mắt vô cùng ngỡ ngàng, những gương mặt bừng sáng của những người lính là do sự phản chiếu của ánh lửa, ấm lòng người chiến sĩ, ngọn lửa thể hiện niềm vui vẻ, lạc quan, trẻ trung và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.
Hình ảnh trung tâm của hội đuốc hoa chính là những cô thiếu nữ miền sơn cước "Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Từ "kìa” và từ nghi vấn "tự bao giờ” được sử dụng để bộc lộ cảm giác vừa ngỡ ngàng lại thú vị, cùng niềm ngưỡng mộ trìu mến của các người lính trước sự xuất hiện của những cô gái miền Tây. Đó là một cảm giác vô cùng chân thực nhân dịp hiếm hoi sau bao nhiêu ngày hành quân vất vả giữa núi rừng, dốc thẳm, sương dày mờ ảo, với mưa rừng và với thú dữ luôn rình rập,… "Man điệu” có thể hiểu là những vũ điệu vô cùng uyển chuyển của các sơn nữ, cũng có thể hiểu như một giai điệu say đắm, ngọt ngào vừa hoang sơ lại bí ẩn, vừa mới mẻ và lạ lùng làm mê đắm lòng người. Với tâm hồn hào hoa, nghệ sĩ đặc biệt rất nhạy cảm với vẻ đẹp, người lính Tây Tiến cũng say đắm chiêm ngưỡng và cảm nhận được những hình ảnh hết sức rực rỡ, những âm thanh vô cùng ngọt ngào của đêm lửa trại để cùng thả hồn phiêu diêu, bay bổng trong một thế giới mộng mơ, để xây dựng nên "hồn thơ”.
Trong dòng chảy liên tục của thời gian, những hoài niệm ấy bỗng dưng lắng lại thật sâu vào trong một buổi chiều đầy sương mộc:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Những nét vẽ hết sức mềm mại, tinh tế đã hình thành nên một bức tranh thuỷ mặc với hồn lau, hơi sương giăng kín mờ mờ ảo ảo cùng với bóng dáng con người trên chiếc thuyền độc mộc với cánh hoa trôi theo dòng nước lũ. "Chiều sương” cũng được gói trọn trong không gian bao phủ bởi một lớp u buồn phảng phất lên toàn bộ cảnh vật. Chữ "ấy” bắt vần với chữ "thấy” làm âm điệu trong câu thơ trở nên trĩu nặng xuống như một điểm nhấn, như một sự nhắc nhở trong hoài niệm về những bâng khuâng. Chịu sự tác động từ nỗi nhớ, những bông hoa lau cũng chập chờn, lay động trên bờ dường như cũng có hồn. Nếu từ láy "đung đưa” có sức gợi hình hơn gợi cảm và chủ yếu gợi tả về những cánh hoa đang rập rờn đôi bờ sông thì hình ảnh "hoa đong đưa” không dừng lại ở bất cứ nét nghĩa cụ thể nào mà còn đưa đến cho người đọc những liên tưởng thi vị về dáng vẻ thực sự dịu mềm, tình tứ của sơn nữ miền Tây, đó là một sự sáng tạo hết sức mới mẻ về ngôn từ thể hiện rõ chất lãng mạn rất độc đáo trong hồn thơ "Quang Dũng.
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến đã được tác giả Quang Dũng thổi thêm hồn vào làm nồng nàn cảm xúc, những đường nét gây ấn tượng về mặt hội hoạ và thanh âm vô cùng trong trẻo của nhạc tính. Bức tranh ấy làm nền tuyệt đẹp để cho những người lính Tây Tiến xuất hiện thêm phần hiên ngang và hùng dũng. Cũng trên cái nền ấy mà tâm hồn và tài năng của tác giả đã được chắp cánh bay xa bởi sự say đắm trong cảm xúc và sự tài hoa trong nghệ thuật.
Gấp trang sách ấy lại mà những vần thơ của tác giả Quang Dũng vẫn luôn văng vẳng để rồi những xúc cảm chân thật nhất của tác giả gửi gắm mãi cô đọng trong tâm hồn người đọc trở thành một nỗi niềm chung.
Combo sổ tay vô địch có gì đặc biệt? Đặt ngay sổ tay hack điểm để được hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy bạn nhé!
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cứu nước của nhân dân ta đã góp thêm vào trang vàng của lịch sử dân tộc. Đã có từng rất nhiều tác phẩm nghệ thuật hình thành từ đề tài này. Nền thơ ca giai đoạn này đã mang đậm tinh thần yêu nước. Phải chăng vì thế mà đây cũng là giai đoạn văn học có nhiều thành công. Tây Tiến của Quang Dũng là một những trong những tác phẩm như vậy.
Hình ảnh của những người lính dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng ngày đêm đấu tranh bảo vệ cho đất nước vừa hào hùng lại vừa hào hoa đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc và người nghe. Đặc biệt là khổ thơ thứ hai của tác phẩm:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Quang Dũng sinh vào đầu năm 1921 và mất vào năm 1988 là người ở làng Phượng Trì, Đan Phượng, thuộc Hà Tây cũ nhưng ông chủ yếu lại sinh sống ở Hà Nội. Ông là một trong những người nghệ sĩ đa tài với đủ các thể loại từ thơ ca, nhạc và họa nhưng lĩnh vực thơ ca lại là đỉnh cao nhất. Ông được biết đến là một trong số những nhà thơ rất tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám. Thơ của ông thể hiện được rõ tâm hồn nhạy cảm đầy thơ mộng và đậm chất lãng mạn. Trong thơ còn thể hiện khả năng cảm nhận thực sự tinh tế về vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng và của tình người.
Tây Tiến được sáng tác khi nhà thơ đã rời xa đơn vị Tây Tiến của mình được một thời gian: “Đoàn quân Tây Tiến sau một thời gian dài hoạt động ở Lào trở về thành lập trung đoàn 52. Đại đội trưởng tác giả Quang Dũng ở đó đến cuối 1948 rồi được chuyển sang đơn vị khác, vị cũ chưa bao lâu khi ngồi ở Phù Lưu Chanh, anh đã viết bài thơ Tây Tiến”, (theo Lời kể của ông Trần Lê Văn - là người bạn thân của Quang Dũng). Chính vì thế mà bài thơ đã được viết thông qua lăng kính của những hoài niệm cùng tâm trạng nhớ thương da diết và chơi vơi.
Đơn vị Tây Tiến đã được hình thành vào năm 1947 với mục đích phối hợp cùng quân đội Lào để bảo vệ được biên giới Lào - Việt, để đánh tan quân địch ở Thượng Lào giúp hỗ trợ cho các cuộc kháng chiến tại nơi đây và những vùng núi rừng khác trên đất nước Lào.
Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến vô cùng rộng lớn. Bao gồm toàn bộ những khu vực miền rừng núi Tây Bắc Việt Nam cùng với khu vực Thượng Lào: từ Châu Mai, Châu Mộc đến Sầm Nứa vòng về phía tây Thanh Hóa. Những nơi này thực sự hoang vu và rất địa hình hiểm trở với núi cao, sông sâu với rừng núi có nhiều thú dữ rình rập. Người lính Tây Tiến đa số là những người thanh niên, trai tráng từ Thủ đô và bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả những người trẻ học sinh, sinh viên.
Từ những câu thơ đầu khi phân tích bài thơ Tây Tiến, Tây Tiến mở ra trước mắt cho người đọc những không gian vô cùng hùng vĩ, hiểm trở chứa đựng đầy những nguy hiểm của núi rừng Tây Bắc. Trong tám câu thơ tiếp thuộc khổ thơ thứ hai khiến người đọc được hòa mình vào với một không gian tưng bừng của đêm liên hoan văn nghệ ở doanh trại với sự lãng mạn, nên thơ bao trùm của chiều sương chốn Châu Mộc mộng mơ:
Bức tranh thể hiện sự lãng mạn của đêm văn nghệ thấm đượm tình quân dân, “quân với dân như cá với nước” được thể hiện rõ nét thông qua bốn câu đầu tiên của khổ thơ:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
Với nỗi nhớ từ “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói Mai Châu mùa em đã thơm nếp xôi”, tác giả cũng bỗng nhớ tới “hội đuốc hoa” đã bừng lên vào đêm văn nghệ nồng thắm tình quân và dân tại doanh trại. Đuốc hoa vốn là chỉ cây nến được thắp lên trong phòng cưới vào đêm tân hôn. Rồi bỗng lại nhớ tới Truyện Kiều có câu: “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa” (ở dòng 3096).
Từ hình ảnh đó, Quang Dũng đã sáng tạo nên “hội đuốc hoa” nhằm nhớ đến đêm liên hoan văn nghệ, đêm đốt lửa trại vui vẻ đầy kỉ niệm giữa những cán bộ chiến sĩ của đoàn quân Tây Tiến với những người dân là đồng bào ở các bản mường nơi đây. “Bừng” là một động từ mạnh hiện lên vừa để chỉ ánh lửa, ánh đuốc rực rỡ, và vừa là để diễn tả âm thanh của những tiếng cười nói, tiếng khèn vang vọng giữa đêm hội.
Chữ “kìa” là một đại từ để chỉ ra một đối tượng nào đó đang ở phía xa; trong hoàn cảnh đó ta có thể cảm nhận được sự ngạc nhiên, niềm vui sướng, tình tứ của những người lính trẻ Tây Tiến khi được thấy các “em”, các “nàng” đến dự hội trong bộ xiêm áo hết sức lộng lẫy và xinh đẹp. Hình ảnh “nàng e ấp” là một trong những nét vẽ rất tài hoa, có hồn để gợi tả nên vẻ đẹp hết sức duyên dáng và kín đáo lại vừa tình tứ và tinh tế của những cô thiếu nữ miền Tây.
Ánh lửa cùng tiếng hát, tiếng khèn, lại thêm màu xiêm áo ngọt ngào, vẻ đẹp kiều diễm của các “em”, các “nàng” như được “xây hồn thơ” trong tâm trí của các anh lính trẻ. Những con người vừa trẻ trung, xinh đẹp lại hào hoa, đa tình; còn dưới ngòi bút của thi nhân thì lại vô cùng tài hoa và lãng mạn.
Thông qua hội đuốc hoa mà khi phân tích khổ hai bài thơ Tây Tiến, ta đã thấy được đời sống tinh thần thực sự phong phú của đoàn quân Tây Tiến ở nơi chiến trường miền Tây vất vả, gian khổ.
Nối tiếp đoạn thơ phía trên là bốn câu thơ tiếp theo thuộc dòng hồi tưởng “trôi” về vùng đất mới - Châu Mộc thuộc địa phận tỉnh Sơn La - nơi có vô vàn bãi cỏ rộng bao la, bát ngát, mênh mông, nơi đây còn có một dãy Pha Luông cao tới 1880m, nơi đó có bản Pha Luông sầm uất những con người Thái. Tác giả Quang Dũng cũng là người lính với tâm hồn thi sĩ đã khai thác được biết bao nhiêu vẻ đẹp kỳ thú ở Châu Mộc. Năm tháng đó cứ thế trôi đi, chỉ còn lại những kỉ niệm, cảnh vật cùng con người ở miền đất xa lạ ấy trở thành một mảnh tinh thần của bao người:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
“Chiều sương ấy” là một buổi chiều đầy sương trắng đang bao phủ mờ khắp núi rừng tại chiến khu vào buổi chiều thu hôm đó cũng hằn sâu vào trong hồn người; tất cả bây giờ chỉ còn là: “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất lạ hóa tâm hồn” (tác giả Chế Lan Viên). “Hồn lau” ở đây cũng chính là hồn của mùa thu. Hoa lau nở trắng tựa như những lá cờ, những bông lau đung đưa theo làn gió tạo ra tiếng kêu xào xạc trong gió thu cạnh bên bờ sông và bờ suối.
Với tâm hồn tài hoa, nhà thơ Quang Dũng cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên Châu Mộc thông qua những cảnh vật đa sắc như “chiều sương” và “hồn lau nẻo bến bờ”. Những thi liệu đó tạo nên những vẻ đẹp rất cổ điển trong bức tranh rừng suối nơi đây. Thấp thoáng ở phía sau những vần thơ “Tây Tiến” chính là những câu cổ thi xuất hiện trong các bài thơ ngày xưa:
“Sương đầu núi buổi chiều như dội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu…”
( Đoàn Thị Điểm - Đặng Trần Lâm )
hay:
“Ngàn lau cười trong nắng
Hồn của mùa thu về
Hồn mùa thu sắp đi
Ngàn lau xao xác trắng”.
(Nhà thơ Chế Lan Viên)
Phân tích khổ hai Tây Tiến ở trên, ta cũng thấy xuất hiện điệp ngữ “có thấy” và “có nhớ” để giúp tác giả hoài niệm về những kỉ niệm về chiều sương Châu Mộc lại có phần man mác và bâng khuâng. Họ nhớ cảnh rồi lại tới nhớ người. Những dòng hồi tưởng của thi sĩ thông qua cảnh sắc và con người nơi rừng suối miền Tây nơi đây, tại nơi mà cao nguyên Châu Mộc được thể hiện với vẻ đẹp tuyệt vời với bút pháp vô cùng tài ba kết hợp với những hồn thơ lãng mạn.
Nơi núi rừng Tây Bắc đó chính là chốn “rừng thiêng nước độc” vô cùng hoang sơ, hẻo lánh và chất chứa biết bao nhiêu hiểm nguy. Thế nhưng, với tâm hồn vô cùng lạc quan và yêu đời, niềm tin mãnh liệt vào một tương lai sẽ thật tươi sáng của một thời đại mới đã được khám phá với vô vàn vẻ đẹp thơ mộng và tươi tắn của cảnh sắc thiên nhiên cùng con người ở vùng Tây Bắc.
Những hoài niệm về chiến trường, về núi rừng ở đây như đã được chắt lọc ra từng chi tiết nhỏ trong hồn thơ của thi sĩ.
Đoạn thơ trên với bút pháp vô cùng chấm phá vừa mềm mại và uyển chuyển, ngôn ngữ lại đậm chất thơ và chất nhạc. Ta có thể thấy được ở cuối mỗi câu thơ đều được kết thúc bằng vần trắc đã tạo thành nhạc điệu cho bài thơ. Bên cạnh đó với cách sử dụng thể thơ thất ngôn cùng nhịp thơ 4/3, giọng điệu rất phù hợp với cảm xúc thông qua từng câu chữ. Cùng với việc sử dụng một cách khéo léo các câu hỏi tu từ đã làm nên một bức tranh đêm văn nghệ và cảnh sông nước miền Tây được hiện lên một cách chi tiết và thơ mộng.
Tóm lại thì ta có thể nói rằng phân tích khổ thơ thứ hai Tây Tiến đã để lại cho người đọc những ấn tượng không thể phai bởi nét lãng mạn được hiện lên giữa hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh. Bài thơ đã cùng góp phần độc đáo vào những bài thơ chủ đề kháng chiến viết về người lính thời kỳ chống giặc Pháp cứu nước. Những bài thơ đó đã xây dựng nên một bức tượng đài vô cùng to lớn về những người chiến sĩ anh dùng. Nó đã gieo vào trong lòng người đọc rất nhiều tình cảm yêu thương, tình nghĩa quân dân thắm thiết và thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc ta.
>> Học chắc kiến thức, luyện đủ dạng bài, hỗ trợ học tập 24/7 cùng khóa học PAS THPT
Quang Dũng vốn là người lính thuộc đơn vị Tây Tiến, một đơn vị có trách nhiệm phối hợp với bộ đội Lào để giải phóng và bảo vệ biên cương phía Tây của Tổ quốc. Sau đó thì Quang Dũng đã chuyển đơn vị công tác. Vào năm 1948, một lần ngồi ở làng Phù Lưu Chanh (một địa danh cũ thuộc Hà Đông), nhớ về những kỉ niệm với đoàn quân Tây Tiến, tác giả không kìm được cảm xúc mà viết một bài thơ tuyệt bút - Tây Tiến. Tây Tiến không chỉ là một bài thơ hay và nổi tiếng của tác giả Quang Dũng nói riêng, của thơ ca chủ đề kháng chiến chống Pháp nói chung mà còn là một trong những tác phẩm đặc sắc viết về đề tài những người lính, vẻ đẹp của sự lãng mạn và tinh thần bi tráng được thể hiện rất rõ thông qua thiên nhiên núi rừng Tây Bắc và hình tượng của người lính là hai nét độc đáo trong cảm hứng và bút pháp nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến. Đoạn thơ sau đã kể lại những kỉ niệm về tình quân dân đầy thi vị cùng với vẻ đẹp nên thơ của sông nước Tây Bắc thông qua những nét vẽ vừa tinh tế vừa mềm mại:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Từ “bừng” xuất hiện trong câu thơ đầu tiên của khổ đã gợi cho chúng ta cảm giác rất đột ngột. Đó là một sự “bừng” sáng của hội đuốc hoa, của ngọn lửa trại hay sự tưng bừng rộn rã cùng những tiếng khèn, tiếng hát? “Đuốc hoa” vốn là một từ ngữ xa xưa dùng để chỉ cây nến thắp lên trong phòng cưới vào đêm tân hôn “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng Mai xưa”. Hình ảnh ấy xuất hiện trong đêm vui liên hoan của các chiến sĩ đã tạo nên một màu sắc vừa mang nét cổ kính vừa mang nét hiện đại, vừa thiêng liêng lại ấm áp, gắn bó keo sơn giữa quân và dân.
Đây là đoạn thơ bộc lộ vô cùng rõ nét những tài hoa thể hiện dưới ngòi bút của Quang Dũng. Hồn thơ lãng mạn của ông đã bị hấp dẫn bởi những vẻ đẹp mang đến màu sắc bí ẩn của con người cũng như cảnh vật nơi xứ lạ. Vì vậy, cảnh là cảnh vật trong hoài niệm nhưng lời thơ lại cho ta cảm giác rất chân thực như đó là cảnh đang diễn ra ở ngay trước mắt. Và nhà thơ như đang trò chuyện với người vũ nữ rằng “Kìa em xiêm áo tự bao giờ!” - một giọng thơ hết sức trìu mến, thích thú và vui sướng! Vui sướng đến cảm giác ngạc nhiên ngỡ ngàng trước vẻ đẹp e thẹn, tình tứ (nàng e ấp) cùng bộ xiêm y lộng lẫy, tuyệt đẹp trong một vũ điệu mang đậm màu sắc của xứ lạ (man điệu). Chỉ với 4 câu thơ mà tác giả Quang Dũng đã dựng nên một bức tranh vừa phong phú về màu sắc và đường nét, lại vừa đa dạng về cả âm thanh.
Nếu khung cảnh của đêm liên hoan văn nghệ xuất hiện trong những câu thơ trên đem đến cho người đọc một bầu không khí mê say ngây ngất thì cảnh sông nước ở Tây Bắc lại cho thấy cảm giác có phần mênh mang, hoang dại, yên lặng và mờ ảo thật chứa chan thi vị. Ở đây một lần nữa càng có thể khẳng định rõ hơn về nét tài hoa, lãng mạn cùng giấc mộng mơ của những người lính. Thiên nhiên ở chốn này chỉ có “Núi sương giăng, đèo mây phủ” khi cảnh chiều về vốn đã có sự mờ ảo nay lại càng mờ ảo hơn khi có lớp sương mờ choàng thêm một chiếc áo chẳng biết là thực hay là mơ. Qua hoài niệm, khung cảnh núi rừng Tây Bắc như hiện về lại trong kí ức của tác giả để giọng thơ của tác giả cất lên như muốn tự hỏi bản thân “có nhớ? có thấy?”, càng day dứt thì càng gợi cảm giác bâng khuâng xa xôi, đầy sự lưu luyến. Con người tài ba và lãng mạn đó thấy bạt ngàn những hồn lau trong gió trong cây như đang xôn xao về một nỗi niềm:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Hình ảnh đó chúng ta cũng đã từng được thấy trong thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh
(Lau biên giới)
Hay trong những câu thơ viết về hồn lau phất phơ trong gió gợi cảm giác về khung cảnh buồn vắng lặng tựa như thời tiền sử huyền thoại của thi sĩ Hoàng Hữu:
Trường vắng mưa mờ buông dốc xa
Dày leo nửa mái sắc rêu nhoà
Người xa phơ phất hồn lau gió
Thổi trắng chân đồi như khói pha
(Hoa lau trường cũ)
Trong khung cảnh rộng lớn của sông nước, chiều sương lại mang đậm màu sắc cổ kính huyền thoại đó hiện lên một hình bóng con thuyền đơn độc với cái dáng vẻ mềm mại của cô gái cùng bông hoa trôi theo dòng nước lũ:
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Câu nói của người xưa: “Thi trung hữu họa” rất phù hợp với trường hợp này. Ngòi bút vô cùng tinh tế của tác giả Quang Dũng chỉ phác hoạ được một vài nét mà không chỉ gợi ra được cái “hồn” của ngàn lau mà còn gợi ra được cả cái dáng mang tính tạo hình của cô gái lái đò người dân tộc Mèo, Thái, cái dáng ngả nghiêng rất tình tứ “đong đưa” chứ không phải là “đung đưa” của những bông hoa rừng như đang muốn làm dáng bên dòng nước lũ. Hai động từ “thấy” và “nhớ” được tác giả sử dụng trong hai câu thơ trên cũng rất tinh tế. Dường như cái hồn thiêng của những bông hoa lau đã in đậm vào mắt của tác giả còn cái dáng mềm mại thon thả của những cô lái đò cùng với bông hoa rừng đang đong đưa lại khắc sâu vào tâm hồn nhà thơ vốn đã giàu tình yêu cảnh đẹp thiên nhiên đất nước này. Không có một tâm hồn nhạy cảm tài ba thì sẽ không thể bắt nhanh được những hình ảnh giàu hình sắc của bông hoa như vậy.
Bốn câu thơ đó như một bức tranh thủy mặc cùng với những nét vẽ đầy chấm phá, tinh tế, lại mềm mại, tài hoa biết bao đã truyền được cái hồn vào cảnh vật. Hơn thế, đọc khổ thơ này lên, người đọc sẽ có cảm giác khổ thơ không chỉ được phổ vào những nốt nhạc một cách tinh tế mà điều này còn được thể hiện từ một tâm hồn say đắm với khung cảnh và con người miền Tây Tổ quốc của chiến sĩ Tây Tiến. Cho nên rất hợp lý khi Xuân Diệu nhận xét về Tây Tiến rằng: “Đọc bài thơ Tây Tiến ta có cảm giác như ngậm âm nhạc trong miệng”.
Khổ thơ đã thể hiện được bút pháp tài hoa, lãng mạn của tác giả. Qua đó, người đọc cũng thấy được cảnh đêm liên hoan văn nghệ, vẻ đẹp của sông nước Tây Bắc mang tính hiện thực lãng mạn mà lại huyền ảo qua từng vần thơ vừa giàu chất nhạc lại giàu chất họa. Đó cũng chính là sự kết hợp vô cùng hài hòa và tuyệt diệu giữa ba yếu tố: thơ, họa, nhạc trong thi phẩm của nhà thơ Quang Dũng.
Đăng ký khóa học PAS THPT để được các thầy cô nổi tiếng top đầu của vuihoc hướng dẫn lên lộ trình ôn tập phù hợp nhất nhé!
Nếu khổ 1 Tây Tiến miêu tả tập trung vào cảnh vật thiên nhiên cùng cuộc hành quân gian khổ đoàn quân Tây Tiến thì khổ thơ thứ 2 kể về những kỉ niệm đẹp của tình quân dân. Để làm rõ hơn về nghệ thuật và nội dung, VUIHOC đã phântích khổ 2 Tây Tiến để các em có thể hiểu được cách phân tích và ứng dụng được bài viết của mình. Ngoài ra, để học thêm những kiến thức hay về ngữ văn cũng như các môn học khác, hãy nhanh tay truy cập website vuihoc.vn hoặc đăng ký các khoá học với thầy cô VUIHOC ngay nhé!
>> Mời các bạn xem thêm:
Link nội dung: https://bitly.vn/phan-tich-kho-2-tay-tien-huong-dan-chi-tiet-dat-diem-cao-a13645.html