[Giới Thiệu/Review] Lạc Chốn Phù Hoa | Bất Kinh Ngữ

[Giới Thiệu Truyện Hay] Lạc Chốn Phù Hoa | Bất Kinh Ngữ

***

Nếu bạn là một người phụ nữ hai mươi tám tuổi đã ly hôn, trên có bố mẹ phải lo lắng, dưới có con gái phải nuôi dưỡng. Công việc không suôn sẻ, cuộc sống gặp khó khăn… Bạn sẽ như thế nào?

Câu trả lời sẽ là: Cố gắng đấu tranh cho cuộc sống? Hay là buông xuôi bản thân vì hiện thực quá khắc nghiệt?

Khi khép tập hai của quyển tiểu thuyết “Lạc Chốn Phù Hoa”, tôi đã thẫn thờ một lúc lâu. Thẫn thờ không phải vì cái kết, đơn giản chỉ là tôi ngồi ngẫm lại tất cả nội dung của quyển truyện. Cuối cùng, tôi đã đưa ra kết luận, mối lương duyên của nữ chính Tô Mạt và nam chính Vương Cư An bắt đầu bằng con số “9”, một con số phong thủy cực kì đẹp và may mắn. Mặc dù ban đầu, con số này không mang đến niềm vui và may mắn cho nam nữ chính như ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, sự nhầm lẫn con số định mệnh này lại là yếu tố quyết định số mệnh ở tương lai của cả hai.

Một người ở dưới đáy xã hội, một người ngồi trên đầu kẻ khác; Một người có tính cách lương thiện, một người có lòng dạ thâm sâu; Một người có suy nghĩ vô cùng đơn giản, một người có đầu óc cực kì phức tạp… Hai thái cực cách xa nhau hoàn toàn, vậy mà gặp gỡ và giao nhau ở chốn phù hoa ấy.

Đôi lúc tôi nghĩ, đêm hôm đó, nếu anh chàng Vương Tư Nguy không hít quá nhiều, dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hai con số “8” và “9”, thì cuộc đời của Tô Mạt đã đi theo hướng khác. Đương nhiên, lúc đó bản chất con người của hai người đàn ông trong hai căn phòng đó không khác nhau là mấy, nhưng chỉ cần sai người thì con đường sẽ rẽ theo chiều hướng khác biệt hoàn toàn, có đúng không?

Trước hết tôi xin nhắc rằng, “Lạc Chốn Phù Hoa” không phải là một quyển tiểu thuyết nam sạch, nữ cường, nam chung tình, nữ trong sáng… Mà quyển tiểu thuyết này có hình tượng nam nữ chính trái ngược với phong cách trên. Tuy nhiên, điểm tối đa mà “Lạc Chốn Phù Hoa” nhận được là ở tính hiện thực trào phúng, cuộc sống khắc nghiệt, con người thực dụng, xã hội đầy vẻ phù phiếm.

Nếu nói nữ chính Tô Mạt của “Lạc Chốn Phù Hoa” rất kiên cường cũng không hẳn là sai, chỉ là sự kiên cường của cô được gọt dũa theo năm tháng, sự va chạm với cuộc đời mới được hình thành. Trước đó, tôi đã từng bắt gặp Tô Mạt với vai trò nhân vật phụ trong quyển “Đừng Nhân Danh Tình Yêu”, ấn tượng của tôi về cô là sự hiền lành, yếu đuối thường thấy của một người phụ nữ ở tỉnh trong xã hội hiện đại. Gặp lại cô với vai trò nữ chính trong “Lạc Chốn Phù Hoa”, dấu ấn về bản tính lương thiện ẩn chứa trong con người cô lại càng mạnh hơn. Sự lương thiện của Tô Mạt nếu đặt trong một vùng quê hẻo lánh, tình người với tình người thì nó sẽ được ca tụng không ngừng, nhưng nếu sự lương thiện, hiền lành, yếu đuối đó lại được đặt vào chốn phù hoa coi trọng đồng tiền hơn nhân phẩm của con người, thì nó lại có hệ quả hoàn toàn khác biệt.

Nếu bảo tôi mô tả nữ chính Tô Mạt thật ngắn gọn, tôi chỉ có thể hình dung cô bằng hai chữ “Đơn giản”. Tô Mạt sống rất đơn giản, tính cách của cô cũng vô vùng mộc mạc, dễ gần. Vì chịu sự giáo dục từ bố mẹ, ngay lúc nhỏ bản tính của Tô Mạt đã rất lương thiện, hiền lành. Chính vì thế, khi cô cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ, cô như người rơi xuống hố đen. Cả quyển truyện “Lạc Chốn Phù Hoa” là sự trưởng thành trong tính cách, lối suy nghĩ của Tô Mạt, những vất vả mà cô phải nếm trải khi bước vào cuộc sống đầy tính cạnh tranh, ngoài ra lối sống của cô cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ Vương Á Nam, Tùng Dung Mạc Úy Thanh. Nhiều người sẽ cho rằng Tô Mạt thành công dựa trên sự mạnh mẽ, kiên cường và tính khôn lỏi trải đời sau bao năm lăn lộn trong thế giới phù hoa, nhưng cá nhân tôi lại nghĩ tất cả những gì cô có được sau này đều dựa vào sự lương thiện, tính cách không chịu đầu hàng và sự thanh cao vốn có trong con người của cô, điều đáng quý nhất ở Tô Mạt là dù cô sống trong chốn phù hoa đầy cạm bẫy nhưng cô không hề đánh mất bản thân hay làm méo mó tính cách vốn có của con người mình. Nếu không, sao cô có thể có được tình yêu của Vương Cư An, sự tín nhiệm của Vương Á Nam, sự chia sẻ của Mạc Úy Thanh, tình bạn với Tùng Dung, sự tôn trọng của Chung Thanh hay tình cảm từ Châu Viễn Sơn

Năm Tô Mạt mười tuổi, vì muốn xin quẻ lành, bố mẹ đưa cô đến chùa thăm vị hòa thượng. Cuối cùng, vị hòa thượng đó đã phán số cô rằng:

Có khí khái trượng phu nam nhi

Tam hợp xướng khúc, quý phi hảo sắc

Nhất kiến chung tình, tái kiến khuynh tâm, gặp lần thứ ba đất đá bay mù mịt trời đất.

Yêu thương say đắm, ở bên nhau, kết hôn, sinh con. Tất cả tự nhiên nước chảy thành sông.

Cuộc hôn nhân đầu, không quá ba thu…

Và vị sư ông đó cũng xem quẻ cho Vương Cư An như thế này:

Đầy vẻ tà ác

Con người này không sang cũng giàu, một đời chìm nổi, không làm thương nhân cũng làm đạo tăng…

Chúng nhân duyên sinh pháp, ngã thuyết tức thị Không, dị vi thị giả danh, dịch thị trung đạo nghĩa. (Các pháp do duyên sinh, tôi nói đó là Không, cũng gọi là giả danh, cũng chính là trung đạo nghĩa)

Về già không có con cái…

Tuy nhiên vào lúc cuối, sư cụ còn phán thêm một câu:

Gieo nhân thiện sẽ được quả thiện.

Trong tất cả các lời bói phán trên, chỉ có câu cuối cùng là chính xác nhất. Định mệnh của con người có thật sự vốn đã được sắp xếp hết hay không? Không ai có thể trả lời được. Tô Mạt có bản chất hiền lành, lương thiện, nhưng cô sống hai mươi tám năm trôi nổi và đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cuộc hôn nhân đầu không có kết thúc tốt đẹp. Nam chính Vương Cư An có tính cách cứng rắn, làm việc quả quyết lạnh lùng, nếu anh muốn người đó chết thì y rằng người đó không sống nổi… Ấy vậy mà anh vẫn sống cuộc sống xa hoa, sung sướng trên hàng khối người, đầy phụ nữ xếp hàng tình nguyện làm tình nhân của anh. Chính hiện thực hình thành tính cách, chính tính cách quyết định số phận, mà số phận ở tương lai lại là thứ mờ mịt không ai biết trước được. Nhưng nếu chúng ta sống đúng với lương tâm, làm việc hướng thiện, chấp nhận cuộc sống hiện tại của bản thân, thách thức khó khăn, vươn lên bằng chính sức mình, thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không thể nào không vượt qua khó khăn được.

Tô Mạt trong truyện không phải là người phụ nữ thông minh, cô cũng không hề xuất sắc, ngoại hình cô thanh tú nhưng không phải là quá nổi bật. Trong khi nam chính Vương Cư An lại là “rùa vàng” đối với phụ nữ, anh là người có tiền, có quyền, có sắc… Vậy thì người có đủ mọi thứ như anh tại sao lại để tâm đến một người phụ nữ tầm thường không ưu điểm như Tô Mạt? Thật ra câu trả lời mà tôi tìm được rất đơn giản, đó chính là Tô Mạt cho anh hơi ấm mà anh chưa từng tìm được ở bất kì người phụ nữ nào. Tô Mạt không thông minh, không xuất sắc, nhưng ở con người Tô Mạt có một sự chân thật rất lạ lùng, thứ cô theo đuổi không phải là “Đồng tiền” mà là sự “Bình yên”, thứ cô cần không phải là “Vật chất” mà là “Thanh thản”, cốt cách của cô không phải là “Hư vinh” mà là “Thanh cao”, con người của cô không phải là “Thực dụng” mà là “Lương thiện”, tất cả những thứ đó đã ăn sâu vào xương tủy, cho nên dẫu cô có đi lạc vào chốn phù hoa ấy thì bản chất của cô cũng không hề thay đổi, có chăng nơi đó chỉ mài dũa bản tính lương thiện của cô nên đặt vào con người nào, sự việc nào mà thôi. Còn nam chính Vương Cư An thì khác, anh sinh ra vốn đã ở chốn phù hoa, bản chất của anh vô cùng cao ngạo, thâm sâu khó lường. Phù Hoa là quê hương của anh, Thực Dụng là môi trường mà anh sống, Giả Tạo là bộ mặt mà hằng ngày anh phải đối mặt, Đồng Tiền là thứ mà suốt đời anh phải theo đuổi, những tưởng tất cả những đặc điểm trên sẽ khiến anh vô cùng phù hợp với chốn phù hoa đó, nhưng khi biết bản thân mình là nhân vật chính trong vở “Ly Miêu tráo thái tử” anh mới nhận ra anh là người lạc lối trong chốn phù hoa đó. Một người đi lạc, một người lạc lối, cô cho anh hơi ấm mà anh khao khát, anh cho cô cuộc sống mà cô ước mơ. Nghĩ đến đây, bỗng chốc tôi nhớ đến câu mà Tùng Dung đã nói với Tô Mạt:

“Cô dùng đạo đức để trói chặt sếp, sếp dùng tiền bạc để ràng buộc cô, cả hai cùng thắng…”

Thật ra có rất nhiều người nhận xét nam chính Vương Cư An là người thành công, cuộc sống của anh vô cùng đầy đủ. Nhưng cá nhân tôi lại cảm thấy anh không thành công chút nào, ngược lại có phần thất bại. Ở độ tuổi ba mươi tư, anh ngồi vào chiếc ghế đứng đầu tập đoàn An Thịnh, có hàng vạn cô gái muốn theo đuổi anh. Đúng! Thứ Vương Cư An không thiếu nhất chính là tiền, tuy nhiên anh chưa từng một lần được nếm mùi vị hạnh phúc gia đình thật sự. Thậm chí, anh còn không cho con trai của anh có một mái ấm gia đình, có thể Thượng Thuần hoặc Phùng Du là người trực tiếp dẫn đến cái chết của con trai anh, nhưng Vương Cư An biết, anh cũng là người gián tiếp khiến Vương Tiễn từ bỏ cuộc sống. Nếu anh cho thằng bé một mái ấm như bao đứa trẻ khác, nếu thằng bé có mẹ, hoặc giả anh dành nhiều thời gian để ở bên cạnh Vương Tiễn nhiều hơn thì có lẽ tất cả đã không diễn ra theo chiều hướng đó, thằng bé sẽ không yếu đuối, dẫn đến sa ngã và ra đi khi còn quá trẻ. Đọc truyện, tôi ấn tượng nhất về con người Vương Cư An khi anh chịu đựng nỗi đau mất con, những tưởng lúc ấy anh sẽ từ bỏ mọi thứ vì quá đau khổ, vì suy sụp tinh thần… Nhưng không, dù anh có đau đớn như thế nào, anh vẫn là Vương Cư An đúng nghĩa, vào thời điểm anh trải qua sự mất mát lớn nhất cuộc đời cũng là lúc anh vùng lên mạnh mẽ nhất, giành lấy chiếc ghế Chủ tịch tập đoàn An Thịnh từ người cô Vương Á Nam. Cá nhân tôi nghĩ, có lẽ lúc đó chỉ có quyền lực và đồng tiền mới lấp liếm được nỗi đau trong lòng của anh, Vương Cư An dùng chính tham vọng trong con người của mình để vực dậy bản thân nhưng cũng chính thời điểm anh yếu đuối trơ trọi và cô đơn nhất đó, Tô Mạt đã cho anh hơi ấm. Tôi nghĩ, khoảng thời gian đó Vương Cư An đã bắt đầu cuộc sống dựa dẫm vào Tô Mạt, cô không có gì để cho anh, vì anh đã có tất cả, thứ duy nhất cô có thể cho anh là chốn về khi suy sụp, nơi ở khi cô đơn, hơi ấm khi lạnh lẽo… Chỉ cần bao nhiêu đó thôi cũng đủ lý do để một người yêu một người.

Đọc “Lạc Chốn Phù Hoa”, thứ mà tôi thích nhất là màn đấu đá lời thoại của nam nữ chính. Những triết lý sống mà Vương Cư An dùng để dạy đời Tô Mạt, những câu trả đũa cực kì ấn tượng của Tô Mạt dành cho Vương Cư An hay những câu đá đểu nhau của Vương Cư An Thượng Thuần đều trở thành điểm nhấn. Khi đọc, tôi vô cùng khâm phục lối xây dựng lời văn của tác giả Bất Kinh Ngữ, dù là lời dẫn, lời kể hay lời thoại, văn chương của cô cuốn hút đến lạ thường. Khi đọc xong tác phẩm “Lạc Chốn Phù Hoa”, tôi xin khẳng định rằng Bất Kinh Ngữ đã hoàn toàn thành công trong việc xây dựng đặc điểm “Thoại độc” cho nhân vật Vương Cư An, khắc họa anh thông qua lời thoại. Mỗi một câu, mỗi một lời anh nói đều vô cùng độc đáo, dù anh lên lớp dạy đời người khác hay vấn đáp bình thường với người ta.

Tô tiểu thư, cô yên tâm, buổi tối tôi ngủ rất ngon, giống buổi tối hôm đó, xin hỏi cô ngủ có ngon không? Hay là cô ngủ ngon quá, ngon chưa từng thấy nên mới để bụng?

Con người sống trong xã hội, trước mặt đối tượng khác nhau đóng những vai khác nhau. Lúc cần hạ mình thì đừng tỏ ra cao ngạo quá, lúc cần cao ngạo thì đừng hạ thấp bản thân. Có lúc cần nhã nhặn, có lúc phải chơi hết mình.

Quy tắc chỉ là thứ “chết”, con người là vật thể “sống”. Con người “sống” sao có thể bị quy tắc ngáng đường?

Em mời tôi ăn cơm gì chứ? Bản thân em biết rõ hơn ai hết, hôm đó em đến khách sạn tìm tôi với tư cách gì, dùng thân phận gì để nhờ tôi giúp đỡ. Khỏi cần che đậy, em muốn bán, người khác chưa chắc đã bằng lòng mua.

Trên đời này chỉ có chuyện tôi uy hiếp người khác, bắt nạt người khác. Cho dù là lừa bịp, cũng là tôi lừa người khác. Khôngai dám uy hiếp tôi, trước đây không có, sau này càng không.

Những điều muốn biết, nhất định tôi sẽ biết. Những chuyện muốn làm, chắc chắn tôi sẽ làm được. Người tôi muốn giữ, cô ấy không thể nào rời xa tôi. Người phụ nữ tôi muốn theo đuổi, đến cuối cùng, cô ấy nhất định sẽ một lòng một dạ với tôi.

Không giống với Vương Cư An, Bất Kinh Ngữ lại khắc họa Tô Mạt qua cách suy nghĩ của cô. Sự lương thiện của Tô Mạt xuất phát từ nội tâm, con người cô trong ngoài đồng nhất, vô cùng đơn giản. Bản tính kiên cường và sự thanh cao của Tô Mạt được tác giả dần dần bộc lộ theo từng chương truyện, từng sóng gió mà cô đương đầu trong cuộc đời. Sự trưởng thành trong lối suy nghĩ và cách ứng xử của cô được hình thành sau bao năm tháng cô lăn lộn trong chốn phù hoa đó.

Bảo tôi sống như cô ấy, chắc tôi chịu thôi, mệt chết đi được. Kể cả làm điếm, tôi cũng muốn được lập miếu thờ.

Về cách sống của anh, tôi không muốn nói nhiều. Tôi chỉ cảm thấy… chúng ta không cùng đường. Yêu cầu của tôi rất đơn giản, tìm một người đàn ông có điều kiện tương đương, phẩm chất tốt, mạnh khỏe… Ý tôi là khoảng cách giữa hai chúng ta quá lớn. Cũng có lúc tôi bị anh thu hút, ví dụ như buổi tối xảy ra vụ đập phá ô tô, nhưng đó không phải vì sức hút của bản thân anh, mà do… anh có tiền, là sức hút của đồng tiền. Cho dù chỉ là vụ giao dịch, anh có thể mua nhiều người phụ nữ giống tôi. Nhưng tôi… Tôi chẳng có gì cả, tôi không bản nổi… Bất kể là quan hệ riêng tư như thế nào, giữa chúng ta cũng không có khả năng, đừng dùng bất cứ lý do gì, cũng đừng đến quấy rầy tôi…

Giữa tên ngốc có tiền và tên tội phạm cưỡng dâm không có tiền, anh nghĩ tôi sẽ chọn ai? Anh muốn mua, người khác chưa chắc đã muốn bán.

Không phải tôi dựa vào sự thù dai này nên mới có thể leo cao hay sao? Hồi còn làm ở nhà kho, thường bị người khác ức hiếp, tôi nghĩ không dưới một lần, đợi hôm nào thăng chức, tôi sẽ tống cổ hết dám người này. Sau đó thật sự được thăng chức, tôi cảm thấy nở mày nở mặt trước Tùng Dung. Tôi còn tưởng tượng sẽ bỏ thuốc Vương Tư Nguy rồi ném anh ta vào quán bar đồng tính. Chẳng phải anh ta thích bỏ thuốc người khác hay sao? Còn có cả Thượng Thuần nữa, tôi nằm mơ cũng muốn bắt anh ta lau giày cho tôi…

Không thì làm thế nào? Con trai không còn nữa, công ty cũng rơi vào tay người khác, tôi không thể để anh ấy ngồi tù.

Ngoài nam nữ chính, tất cả các nhân vật khác trong “Lạc Chốn Phù Hoa” cũng tạo nên điểm nhấn riêng biệt. Cách xây dựng nhân vật phụ của Bất Kinh Ngữ cũng vô cùng độc đáo và thực tế, từ Mạc Úy Thanh cho đến Chung Thanh, từ Thượng Thuần cho đến Vương Tư Nguy, từ Châu Viễn Sơn cho đến Lộ Chinh, hay bà cô Vương Á Nam… Mỗi một nhân vật đều là một màu sắc tô điểm cho chốn phù hoa, mỗi một nhân vật tô điểm cho cuộc đương đầu với cuộc sống của nam nữ chính, vô tình chung tất cả đã tạo thành không gian và một câu chuyện vô cùng sống động.

Tuy “Lạc Chốn Phù Hoa” không đề cao giá trị tình yêu, nhưng thật ra thông điệp mà truyện gửi đến người đọc rất đơn giản. Tình yêu không phải là so sánh xét nét người đó như thế nào, mà là chúng ta có yêu người đó hay không? Liệu cuộc đời của chúng ta có thể sống thiếu người đó? Đọc đến cuối, tôi cảm thấy ngoài Tô Mạt ra, không ai có thể đi với Vương Cư An đến cuối cuộc đời và Vương Cư An cũng là bờ vai mà Tô Mạt cần nhất. Rất đơn giản, Tô Mạt hiểu những gì Vương Cư An đã phải trải qua, Vương Cư An biết cuộc sống mà Tô Mạt cần nhất. Bỏ qua yếu tố tình yêu, họ đến với nhau đơn giản chỉ vì sự ăn ý giữa cả hai, hiểu và thông cảm cho đối phương, chỉ hai yếu tố đó cũng tạo thành một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Cuộc đời chị là trách nhiệm và ẩn nhẫn, còn cuộc đời em là kích thích và mạo hiểm. Cả kiếp này, chị luôn phải đấu tranh với tính cách của mình, còn em đấu tranh vì dục vọng.

Đọc đến cuối truyện “Lạc Chốn Phù Hoa”, trong đầu tôi còn nhớ rõ nội dung tin nhắn mà Chung Thanh đã gửi cho Tô Mạt trước lúc cô đi. Suy cho cùng, cuộc sống của con người luôn phải theo đuổi một thứ gì đó, vì thế chúng ta mãi luôn đấu tranh không ngừng. Với Tô Mạt là đấu tranh với tính cách của mình, với Chung Thanh là đấu tranh vì dục vọng. Còn chúng ta, mỗi người chúng ta đấu tranh vì điều gì? Cho dù đó là gì đi nữa, tôi cũng mong chúng ta sẽ tìm ra được từng cái kết tiêu biểu cho dạng đấu tranh đó trong cuộc sống thông qua từng nhân vật trong “Lạc Chốn Phù Hoa”. Hãy chọn cách sống cho mình, hãy tôn trọng bản thân, lựa chọn con đường mà mình nghĩ mình sẽ hạnh phúc.

—***—

LẠC CHỐN PHÙ HOA - BẤT KINH NGỮ

[Giới Thiệu/Review] Lạc Chốn Phù Hoa | Bất Kinh Ngữ

Tác giả: Bất Kinh Ngữ

Đơn vị xuất bản: Đinh Tị

Người dịch: Greenrosetq

Link nội dung: https://bitly.vn/gioi-thieureview-lac-chon-phu-hoa-bat-kinh-ngu-a16122.html