HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ CON ĐƯỜNG DI SẢN HỒ TÂY – Mega Story

HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ CON ĐƯỜNG DI SẢN HỒ TÂY - Mega Story

Hồ Tây (hay hồ Kim Ngưu, đầm Xác Cáo) đã chẳng còn xa lạ với nhiều thế hệ người Việt và du khách thập phương, từ lâu đã trở thành một phần trong văn hoá, lịch sử và đời sống hằng ngày của mỗi con người. Là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ở thủ đô Hà Nội, với diện tích lên tới 500 ha, Hồ Tây có chiều dài đường ven hồ lên tới 17km, thuộc địa phận quận Tây Hồ, được bao bọc bởi các trục đường Thanh Niên - Thụy Khuê - Âu Cơ - Nghi Tàm - Lạc Long Quân.

Sở hữu phong cảnh rất đỗi nên thơ, trữ tình và không gian thoáng đãng, rộng mở, Hồ Tây từ xa xưa đã là thắng cảnh nổi tiếng. Từ thời Lý-Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thuý Hoa đời nhà Lý, tức điện Hàm Nguyên đời nhà Trần nay là khu chùa Trấn Quốc; cung Từ Hoa đời nhà Lý nay là khu chùa Kim Liên; điện Thuỵ Chương đời nhà Lê nay là khu Trường Chu Văn An. Qua một vài nét phác họa lịch sử đó, chúng ta dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của hồ Tây theo thời gian. Dù đã trải qua hàng nghìn năm tồn tại, cho đến ngày nay, hồ Tây vẫn luôn là nơi hội tụ sự linh thiêng, cổ kính và dệt nên phong cảnh hữu tình cho không gian thủ đô.

Sách “Tây Hồ chí” ghi rằng, Hồ Tây có từ thời Hùng Vương, bấy giờ nơi đây là một bến nằm giáp sông Hồng thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp thuộc thôn Long Đỗ. Ở vào thời Hai Bà Trưng, bến này thông với sông Hồng, bao bọc quanh hồ là rừng cây gồm nhiều loại thực vật chính như tre ngà, bàng, lim, lau sậy, gỗ tầm… cùng một số loài thú quý hiếm sinh tồn.

Ngoài ra, xung quanh bờ hồ còn có sự xuất hiện của các hang động vừa và nhỏ, bờ phía Tây có Già La Động (nay là Quán La thuộc phường Xuân La), bờ phía Đông có Nha Lâm Động (nay là phố Yên Ninh, Hòe Nhai), bờ phía Nam có Bình Sa Động (thời Lý đổi là Giáp Cơ Xá (nay thuộc quận Hoàn Kiếm). Cư dân sinh sống ở đây rất thưa thớt, họ sống chủ yếu bằng nghề săn bắt thú rừng, tôm, cua, cá và trồng tỉa cây cối.

Tương truyền Chùa Kim Liên được dựng trên nền cung điện của Công chúa Từ Hoa - con Vua Lý Thần Tông (1127-1138). Để phát triển cơ sở tầm tang, Công chúa Từ Hoa đã mang các cung nữ ra khu vực hồ Tây khai hoang, lập ấp và dựng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cho họ. Trại Nghi Tàm là một điền trang lớn quán xuyến việc này.

Thời Trần, Hồ Tây vẫn được khai phá, cải tạo. Công chúa Túc Trinh con Vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đã rời cung điện ra vùng Bắc Kinh thành Thăng Long rồi bỏ tiền phát chẩn, cấp giống vốn cho dân nghèo làm ăn sinh sống. “Lúc đầu chỉ chiêu mộ được 10 nhân khẩu, thấy mảnh vườn bên sông vừa đẹp lại vừa tiện đi lại nên lập ấp nhỏ ở xứ Vườn, sau dân lập thành làng đặt tên là Cổ Nhuế viên”.

Với ý thức khuyến nông và từ thiện, Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến (Vương phi của Chúa Trịnh Tạc) ở Thế kỷ XVII (triều đại Lê Trung hưng) đã mua 529 mẫu ruộng hoang hiến cho dân làng Xã Minh Cảo - Xuân Đỉnh (nay thuộc Quận Tây Hồ) cày cấy và cúng hậu vào đền chùa là 10 mẫu 2 sào 8 thước.

Qua biết bao thế hệ khai khẩn, vun đắp và phát triển, từ chốn rừng thiêng nước độc, đầm lầy hoang hoá, hồ Tây đã trở thành một thắng cảnh văn hoá, du lịch nổi tiếng bậc nhất của chốn Kinh Kỳ ngàn năm văn hiến, là một nét chấm phá vô cùng thi vị giữa lòng Hà Nội.

Trên hành trình khám phá lịch sử Hồ Tây hôm nay, chúng ta tiếp tục được thả hồn mình, cảm nhận vẻ đẹp của hồ Tây qua những truyền thuyết, những huyền tích mà bao thế hệ người dân sống quanh đây vẫn kể lại cho nhau nghe. Mỗi câu chuyện huyền thoại về hồ Tây lại gắn liền với một tên gọi khác nhau. Những tên gọi ấy không chỉ đơn thuần là thứ để đánh dấu một địa danh, mà còn là đại diện cho chiều dài lịch sử và bề dày văn hoá của đất và người Việt Nam ta.

Cái tên “Đầm Xác Cáo” có lẽ là tên gọi xưa nhất của hồ Tây, gắn với sự tích con hồ ly tinh chín đuôi. Trong “Lĩnh Nam chích quái” do Vũ Quỳnh và Kiều Phú soạn vào khoảng năm 1492, tác giả kể: thời xưa, ở vùng phía Tây kinh thành có hòn núi đá bên sông, dưới núi có hang động. Đó là nơi trú ngụ của con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm đã thành tinh. Nó gây biết bao tác hại cho dân lành. Lạc Long Quân biết chuyện bèn tìm đến trừ họa cho dân. Hồ Tinh dù lắm tài biến hoá song vẫn không thoát khỏi tay Long Quân. Nó bị giết, hiện nguyên hình con cáo khổng lồ chín đuôi. Cuộc chiến diễn ra gay go, quyết liệt. Chỗ xảy ra cuộc chiến ấy tụt xuống thành chiếc đầm lớn gọi là đầm Xác Cáo.

Một cái tên khác của hồ Tây xưa đó là hồ Kim Ngưu, có nghĩa là “trâu vàng”. Truyền thuyết hồ Trâu Vàng kể lại rằng: Thiền sư Nguyễn Minh Không được phong làm Lý Triều quốc sư, được vua phương Bắc mời sang chữa bệnh trọng cho hoàng tử, chữa khỏi xong chỉ xin một túi đồng đen. Khi về tới nước Nam, vua Lý sai đem đồng đen đúc thành quả chuông lớn, tiếng vang xa bốn cõi, dội sang tận phương Bắc. Con trâu vàng bên đó tưởng mẹ gọi chạy lồng sang tìm (đồng đen là mẹ của vàng). Đường trâu chạy lún thành sông, đó là sông Kim Ngưu. Trâu chạy đến vùng phía Tây kinh thành thì chuông tắt. Nó lồng lộn dày xéo làm đất sụt xuống thành chiếc hồ lớn, sau gọi là hồ Kim Ngưu, tức hồ Tây. Ở làng Tây Hồ có di tích chiếc miếu thờ thần Kim Ngưu - Trâu Vàng là thế. Song truyền thuyết này cũng có nhiều phiên bản khác nhau được trong lưu truyền trong dân gian ngàn đời.

Tướng quân Mã Viện sau khi ngăn chặn cuộc khởi nghĩa bi tráng của Hai Bà Trưng, đã đặt tên cho hồ Tây là “Lãng Bạc”, tức là “hồ đầy sóng vỗ”. Vào những ngày giông bão, gió cuộn trào trên mặt hồ rộng thênh thang, sóng nước nổi lên ầm ầm, lớp này chồng lên lớp kia tạo ra một cảnh hồ hùng tráng và nên thơ.

Tên gọi Dâm Đàm của hồ cũng thuộc về một huyền tích xưa. Dâm Đàm có ý nghĩa là đầm tràn đầy nước. Có lẽ ý nghĩa ấy muốn nói tới sự rộng lớn, mênh mang sóng nước của hồ Tây. Thực ra tên gọi này không xác định được chính xác ra đời trong khoảng thời gian nào, nhưng theo sách “Hồn sử Việt” thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoạn được nhà vua và các quan ưa thích. Trong các chuyến du ngoạn trên hồ của mình, nhà vua nhiều lần gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nên huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm (mù sương).

Đến năm 1573, vua Lê Thế Tông lên ngôi, tên huý là Duy Đàm, vậy nên tên hồ Dâm Đàm là phạm huý, từ ấy đổi thành gọi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ là xuất phát từ đó. Ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này còn là để sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.

Đến đời Tây Đô Vương Trịnh Tạc, năm 1657 kiêng chữ Tây nên các địa danh nào có chữ Tây đều bị ông ra lệnh đổi thành Đoài (cũng có nghĩa là phía tây), bởi vậy nên Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng cái tên Đoài Hồ không được dùng lâu, sau đó còn đổi thành Diêm Hồ, Liêm Đàm. Nhưng người ta vẫn quen gọi là Tây Hồ hơn.

Ngàn năm lịch sử trôi đi, hồ Tây cũng đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau với biết bao thăng trầm của thời gian, mỗi danh xưng đều gắn liền với chuyện xưa tích cũ ngàn đời của dân gian được truyền lại. Điều đó chính là minh chứng cho sự đa dạng, giàu đẹp của kho tàng văn hoá nước Việt, là sự biểu hiện cho ý chí, tư tưởng tốt đẹp của nhân dân Thăng Long - Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng.

Vẻ đẹp của hồ Tây hàng ngàn năm nay đã đi vào truyền thuyết, thi ca, lịch sử, quyến rũ không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách mỗi khi đến Hà Nội. Hồ Tây mênh mông, quanh năm mờ ảo trong sương khói, đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.

Từ xa xưa, nhiều văn sĩ đã ca tụng những cảnh đẹp Tây Hồ. Trên cao nhìn xuống, hồ Tây như một vành trăng khuyết, cái lưng cong kéo từ Thôn Tây làng Đào Nhật Tân đến tận gò Mỏ Phượng đầu làng Thuỵ, ôm vào lòng là những bán đảo Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm, nhô hẳn ra mặt nước cho ba bể sóng vỗ. Cảnh sắc ấy đã được Nguyễn Huy Lượng trong bài Phú “Tụng Tây Hồ” với những câu:

“Sắc rờn nhuộm thức anh lam ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo”.Hình lượn lượn vốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhờ nhờ…”

Thơ Lê Hữu Trác, Phạm Quý Thích, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đời Lê, Miên Thẩm, Trần Bá Lâm, Vũ Tông Phan đời Nguyễn cộng với bao thơ văn khác của tác giả khuyết danh cũng không kém phần chải chuốt du dương. Một thi sĩ vô danh đời Vĩnh Hựu (1735-1739) đã ca tụng tám cảnh đẹp Tây hồ trong “Tây hồ bát cảnh”. Đó là:

“Bến trúc Nghi TàmRừng bàng Yên TháiPhật say làng ThụyĐàn thề Đồng CổChợ đêm Khán XuânTiếng đàn hành cungSâm cầm rợp bóngĐồng bông Nghi Tàm.”

Thơ phú về Hồ Tây trước đây quả là phong phú. Từ bậc vương tôn đến các danh sĩ, ai cũng muốn dùng ngòi bút tả lại cảm xúc và tâm sự mình, để lại một chút tên tuổi gắn với cảnh trời xanh nước biếc thơ mộng đến nao lòng này. Mười thế kỷ đã trôi qua, không biết có bao nhiêu bài thơ văn, những khúc ca viết về hồ Tây. Năm 1985, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có dịp ở lại Hà Nội một tháng. Một trong số những kí ức đẹp đẽ của người nhạc sĩ về mùa thu Hà Nội đó là dáng hình của Hồ Tây trong một chiều mùa thu se lạnh:

“Hồ Tây chiều thuMặt nước vàng lay, bờ xa mời gọiMàu sương thương nhớBầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”

Gió heo may man mác thổi trên mặt hồ, gợn từng cơn sóng lăn tăn. Trong màn sương mờ ảo, những chú chim sâm cầm tung cánh bay về phương Nam tránh rét. Khung cảnh ấy đã trở thành một phần trong tình yêu và nỗi nhớ của Trịnh Công Sơn đối với mảnh đất thủ đô thương mến. Nỗi nhớ niềm yêu vừa hiện hữu, vừa vô hình, hướng về tất cả Hà Nội của Trịnh Công Sơn đã khơi gợi được niềm đồng cảm của bao thế hệ người yêu nhạc.

Thậm chí, nhà thơ Cao Bá Quát từng phải thốt lên: “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” (Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi). Và hôm nay, hồ Tây vẫn là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội nhiều màu sắc, nơi người Hà Nội và du khách mong tìm về để dạo bước trên con đường liễu rủ lãng đãng sương mờ, mênh mang sóng nước, đắm mình trong vẻ thơ mộng của nơi giao thoa giữa cuộc sống bộn bề nhộn nhịp và thiên nhiên đất trời…

Xung quanh hồ Tây, ở các triều đại, đều là những nơi cung điện đền đài được xây lên. Người Hà Nội có ai lại không biết đến chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh hay Phủ Tây Hồ. Mỗi độ Xuân về, Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc chính là nơi đặt chân không thể thiếu của người dân Hà Nội.

Nằm trên bán đảo nhỏ giữa mênh mang sóng nước ngay bên đường Thanh Niên, con đường đẹp ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam có từ thế kỷ 6 thời Lý Nam Đế. Theo sử sách còn ghi lại, vào năm 541-548 khởi đầu ngôi chùa được gọi là chùa Khai Quốc. Chùa được xây dựng ngoài bãi sông Hồng, sau này vào đời Hậu Lê (Thế kỉ 17) thì chuyển vào đây. Trước đây nơi này được gọi là bãi cá vàng mà vua chúa thời xưa du xuân, du thuỷ, sau đó các vị cao tăng về đây tu hành. Ngôi chùa tính đến nay có lịch sử hơn 1000 năm.

Trong “Thăng Long tứ trấn” thì có 2 công trình đặc biệt. Đó là đền Quán Thánh, còn có tên là Trấn Vũ quán, ở khu vực phía Bắc và đền Thủ Lệ, còn gọi là đền Voi Phục ở phía Tây Hồ Tây. Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế là một trong những vị thánh kiệt xuất của đạo Lão có công trừ tà ma, yêu quái, bảo vệ cuộc sống bình yên cho muôn dân. Đền Voi Phục là nơi thờ phụng thần Linh Lang - một nhân vật lịch sử đã có công giúp vua Lý Thánh Tông dẹp giặc Tống.

Phủ Tây Hồ tọa lạc tại bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây. Tục truyền rằng Liễu Hạnh là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian. Người tiên nữ ấy đã ngang dọc một trời giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu. Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm.

Trải qua nhiều biến thiên thời đại, thế nhưng dù ở bất cứ triều đại nào, hồ Tây cũng đều là nơi tâm điểm của lịch sử huy hoàng. Chỉ cần nhìn vào những quần thể di tích đền phủ, chùa chiền tồn tại quanh hồ Tây là ta đã chứng nghiệm được điều đó. Hồ Tây như nén dồn tất cả những gì tinh hoa của trời đất của ngàn năm văn vật cho một Hà Nội trường tồn./.

Nhớ Mùa Thu Hà Nội - Hồng Nhung. Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn

Thực hiện: Hào Nguyễn - Nguyệt Anh

Ảnh/Video: Hào Nguyễn

Link nội dung: https://bitly.vn/hanh-trinh-kham-pha-con-duong-di-san-ho-tay-mega-story-a16138.html