Nhức mỏi tay chân không chỉ gặp ở người cao tuổi mà còn thể xảy ra với bất kỳ ai trong số chúng ta. Nếu biết rõ nguyên nhân, bạn không những có thể tìm được cách khắc phục phù hợp mà còn cảm thấy yên tâm và tâm lý thoải mái hơn.
Nhức mỏi tay chân là gì?
Chân tay nhức mỏi, đau nhức tay chân có thể được xem là một tình trạng rối loạn cơ bắp hoặc các mô xung quanh dây chằng và gân. Tình trạng này có thể xuất hiện ở các mức độ âm ỉ hoặc dữ dội. Kèm theo nhức mỏi có thể là triệu chứng tê bì, sưng cứng hoặc cảm giác như kiến bò.
Tình trạng nhức mỏi chân tay thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết đột ngột. Thời điểm cảm nhận rõ cơ nhức mỏi nhất là ban đêm hoặc sáng sớm khi bạn ngủ dậy. Trước mắt, tình trạng nhức mỏi này không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe. Nhưng nếu kéo dài, nó có thể dẫn đến ăn không ngon, ngủ không yên, làm suy giảm sức khỏe tổng thể. Đặc biệt, nếu nhức mỏi do bệnh lý không được phát hiện kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân gây nhức mỏi chân tay
Tình trạng nhức mỏi ở tay và chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Do tuổi tác: Cơ thể chúng ta không tránh khỏi quy luật lão hóa. Khi càng nhiều tuổi, các cơ bắp càng suy yếu và dễ bị nhức mỏi mỗi khi đi lại nhiều, vận động nặng hoặc thay đổi thời tiết.
- Khi các khoáng chất thiết yếu trong cơ thể như kali, natri,... bị mất cân bằng, chúng ta cũng dễ gặp tình trạng nhức mỏi tứ chi.
- Việc luyện tập, lao động, vận động không hợp lý cũng khiến cơ bắp bị kéo giãn hoặc tổn thương. Điều này dẫn đến cảm giác nhức mỏi ở các bắp chân, bắp tay.
- Nhiều trường hợp bị nhức mỏi tay chân do cơ thể thiếu hụt các khoáng chất như canxi, magie, kali,... Lúc này, ngoài nhức mỏi, bạn có thể gặp triệu chứng chuột rút thường xuyên.
- Những người ít vận động như nhân viên văn phòng, tài xế lái xe,... cũng dễ bị nhức mỏi chân tay. Lý do là ở những người này lượng acid lactic tăng cao khiến ion kali bị giảm dẫn đến nhức mỏi.
- Ngồi, đứng hoặc đi lại sau tư thế cũng khiến các dây thần kinh bị chèn ép gây nhức mỏi.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý đến tình trạng nhức mỏi do bệnh lý. Lúc này, tình trạng nhức mỏi không những khó khắc phục hơn mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nếu bệnh không được điều trị sớm.
Nhức mỏi tay chân là triệu chứng của bệnh gì?
Có nhiều bệnh lý là nguyên nhân của tình trạng nhức mỏi này. Có thể kể đến một vài bệnh lý là “thủ phạm” của tình trạng nhức mỏi tứ chi như:
- Bệnh viêm khớp dạng thấp làm các khớp ở chân và tay bị sưng cứng, biến dạng. Nó không chỉ gây nhức mỏi mà có thể làm ảnh hưởng đến vận động và làm tăng nguy cơ tàn phế.
- Các bệnh về cột sống như thoát bị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hẹp cột sống, đau thần kinh tọa,... có thể làm sụn khớp bị bào mòn. Nó cũng khiến dây thần kinh bị chèn ép, gây sưng viêm và nhức mỏi.
- Viêm bao Myelin hay còn gọi là viêm đa rễ thần kinh không chỉ gây nhức mỏi khớp chân tay mà còn dễ sinh yếu cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
- Người bị mắc hội chứng ống cổ tay có dây thần kinh giữa bị chèn ép cũng sẽ bị tê bì, nhức mỏi tay chân.
- Các tổn thương ở nhiều đoạn động mạch trong bệnh động mạch ngoại biên khiến chân, tay bị thiếu máu dẫn đến tê bì, nhức mỏi.
- Ở bệnh nhân tiểu đường, cholesterol tăng cao dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa. Chúng khiến máu lưu thông kém đến các chi cũng gây nhức mỏi.
- Khi bị virus tấn công cơ thể cũng có thể gặp triệu chứng nhức mỏi.
- Bệnh nhân bị bệnh gout thường gặp triệu chứng nhức mỏi chân tay, đặc biệt là sau khi ăn quá nhiều đạm.
Cách làm giảm triệu chứng nhức mỏi tay chân
Tùy từng nguyên nhân, chúng ta có thể áp dụng những giải pháp khắc phục phù hợp. Một số cách được bác sĩ gợi ý mà bạn nên tham khảo như:
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Nếu nguyên nhân nhức mỏi do thói quen ít vận động, làm việc nặng hay mang vác vật nặng thường xuyên, bạn nên thay đổi thói quen này. Hãy tập luyện, vận động và làm việc vừa sức để không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Để cải thiện nhức mỏi do thiếu chất, bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng. Để biết chính xác cơ thể bị thiếu chất gì? Có bị mất cân bằng dinh dưỡng hay không, bạn nên khám sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm phù hợp để giúp bạn tìm chính xác nguyên nhân.
Dùng túi chườm nóng
Dùng túi chườm nóng cũng hữu dụng trong nhiều trường hợp. Nhiệt lượng tỏa ra từ túi chườm nóng giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Nó cũng giúp làm mềm các cơ giúp giảm nhức mỏi do căng cứng cơ. Tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp bị bỏng do dùng túi chườm kém chất lượng. Vì vậy, nếu định áp dụng cách này, bạn nên mua túi chườm chất lượng ở địa chỉ uy tín.
Xông hơi và massage
Một số bài massage cơ bắp hoặc xương khớp cũng giúp tăng lưu thông máu, làm mềm và giãn cơ đồng thời giúp giảm nhức mỏi chân tay hiệu quả. Một số liệu pháp xông hơi cũng giúp giảm cơn nhức mỏi. Nhiều loại lá có sẵn trong vườn nhà có thể dùng để xông hơi như lá lốt, quế chi, trinh nữ,... Sau khi xông hơi, bạn lau khô mồ hôi, tránh nước lạnh và gió sau đó uống tách trà ấm sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Dùng thuốc hoặc vật lý trị liệu
Trong một số trường hợp, có thể người bệnh cần dùng đến thuốc giảm đau. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không dùng tùy tiện. Một số trường hợp cần tiến hành vật lý trị liệu mới khắc phục được tận gốc rễ của tình trạng nhức mỏi này.
Nếu nhức mỏi kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng khác như tê bì, chuột rút, mất ngủ và mức độ nhức mỏi tăng dần, bạn cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Khi tìm đúng nguyên nhân, bạn sẽ khắc phục được tình trạng nhức mỏi chân tay một cách triệt để nhất.