Rau ngổ là loại rau quen thuộc của người dân Việt. Tùy vào vùng miền mà rau ngổ có tên gọi khác nhau. Vậy rau ngổ còn gọi là rau gì? có tác dụng gì? Mời bạn đọc xem giải đáp trong bài viết dưới đây.
Rau ngổ còn gọi là rau gì?
Rau ngổ là loại thân thảo, mềm xốp, chứa nhiều nước bên trong, nhiều nhánh nhỏ, lá hình răng cưa, phân bổ chủ yếu ở vùng ao hồ. Tên gọi khác của loại cây này là ngổ trâu, ngổ thơm, cúc nước,… Tên khoa học của rau ngổ là Enydra fluctuans lour.
Trong rau ngổ chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau: 93% nước, 2,1% protid cùng các loại vitamin B, C, tinh dầu thơm và caroten. Đây là loại cây gia vị, hay dùng ăn sống. Ngoài ra, rau ngổ còn được xem là vị thuốc vì nó có nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe. Bộ phận thường được dùng của cây là lá non.
Rau ngổ có tác dụng gì?
Rau ngổ vị đắng nhưng mát và có hương thơm nhẹ. Theo dân gian, đây là loại rau giúp mát máu, lợi tiểu và điều trị sỏi thận, mất ngủ.
Theo cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, rau ngổ dùng để chữa những trường hợp ăn uống không tiêu, đầy tức bụng, thổ huyết, băng huyết. Ngày dùng từ 12-20 gam dưới dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài giã nát đắp lên những nơi viêm tấy.
Dưới đây là một vài bài thuốc từ cây rau ngổ:
- Hỗ trợ chữa tiểu máu: Sử dụng rau ngổ kết hợp với cây cỏ tháp bút, rễ cỏ tranh. Mỗi loại 10 gam, rửa sạch, thái thành từng khúc nhỏ, phơi khô. Sau khi phơi khô đem tẩm với một ít rượu, sau đó sao vàng và sắc nước uống. Liều lượng như vậy dùng trong ngày, chia làm hai lần uống để cây rau ngổ có hiệu quả.
- Chữa ho cảm, sổ mũi: Đối với người bị mắc chứng cảm ho, sổ mũi, hắt xì thì có thể sử dụng ngay rau ngổ tươi. Dùng khoảng một lượng rau ngổ tươi độ 20 gam sắc nước rau ngổ và uống đến khi dứt bệnh.
Theo nghiên cứu hiện đại, chiết xuất thô và các hợp chất phân lập của rau ngổ (Enhydra Fluans Lour) được báo cáo là có hoạt tính dược lý chống lại sự bảo vệ tế bào, giảm đau và chống viêm, kháng khuẩn, chống tiêu chảy, tẩy giun sán…
Phân tích hóa chất thực vật từ các nghiên cứu khác nhau cho thấy, rau ngổ chứa: Flavonoid, tinh dầu, steroid, isoflavone glycoside… Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để khám phá phương thức hoạt động của các thành phần hoạt tính sinh học của cây và khả năng chữa bệnh của nó.
Những điều cần lưu ý khi dùng rau ngổ
- Do rau ngổ có thể làm giãn cơ ngũ tạng nên phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều loại rau này để tránh sảy thai.
- Rau ngổ tươi thường được trồng ở đầm lầy, nơi ẩm ướt nên dễ nhiễm khuẩn. Vì thế, trước khi dùng cần rửa thật sạch để tránh bị ngộ độc.
- Nếu dùng rau ngổ hỗ trợ điều trị ung thư cần phải kiêng quýt, cam, bưởi, hồng chín, lựu, hải sản.
- Khi dùng rau ngổ để điều trị ho, sổ mũi, cảm, sốt,… cho trẻ nhỏ nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.
- Trong quá trình sử dụng rau ngổ cần quan sát các dấu hiệu của cơ thể, nếu phát hiện có hiện tượng khó chịu hay bất thường cần đến khám bác sĩ ngay để có hướng xử trí an toàn.
Mặc dù đến nay chưa có nghiên cứu nào về tác dụng phụ và cũng chưa có ghi nhận về vấn đề này, nhưng điều đó không có nghĩa là được lạm dụng rau ngổ. Để tránh nguy cơ bất thường nào đó cho sức khỏe, tốt nhất không nên dùng quá nhiều rau ngổ mỗi ngày và trong một thời gian dài.
Theo các chuyên gia, rau ngổ ngoài là rau ăn nhưng cũng là vị thuốc. Vì vậy cần dùng đúng liều lượng. Cách tốt nhất là tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng để hỗ trợ điều trị bệnh gì đó.