Tại Ghana - quốc gia thuộc khu vực Tây Phi, đám tang không phải là thời điểm thể hiện sự đau buồn thương tiếc với người thân đã mất. Trái lại, đây là lúc những người còn sống phải tổ chức nghi lễ linh đình kỷ niệm cuộc đời trần thế của người chết, tiễn đưa họ sang thế giới bên kia.
Bầu không khí trong những đám tang ở Ghana không ảm đạm đau thương, trái lại càng sôi động càng tốt. Tang lễ cũng là dịp để người tới phúng viếng càng đông càng tốt. Bởi vậy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân địa phương vẫn sẵn lòng chi tới 15.000 USD cho một đám ma.
Đám tang không thể thiếu những bức cáo phó cỡ đại, được in màu sặc sỡ có giá từ 600 USD đến 3.000 USD, đặt tại những điểm càng nhiều người qua lại, càng dễ thấy càng tốt.
Bên cạnh những bức cáo phó khổng lồ, bữa tiệc linh đình, quan tài là vật dụng không thể thiếu, đồng thời cũng là khoản chi tiêu "bạo tay" nhất. Ước tính, mỗi cỗ áo quan có hình thù độc lạ, nhiều màu sắc có giá thành lên tới 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng). Và cũng chỉ ở Ghana, người ta mới thấy muôn kiểu quan tài lạ lùng như vậy.
Người dân tại đây quan niệm rằng, khi sống khó khăn tới mấy, nhưng đến lúc "nhắm mắt xuôi tay", người chết nhất định phải có quan tài càng lạ càng tốt. Đó là những cỗ áo quan phản ánh sở thích, giấc mơ và tính cách của người vừa nằm xuống. Nhiều gia đình thậm chí còn bỏ ra vài nghìn USD để mua được quan tài đặc biệt, dành tặng người thân đã chết khi sang thế giới bên kia.
Cũng theo quan niệm người địa phương, khi người quá cố vượt qua cái chết, họ sẽ tiếp tục nghề nghiệp của mình ở bên kia thế giới. Vậy nên, họ cần được chôn cất trong chiếc áo quan mang hình dáng đại diện cho công việc từng làm khi còn sống.
Bởi vậy không quá lạ lẫm khi nhiều cỗ quan tài tại Ghana được thiết kế rất tinh xảo, cầu kỳ, mang đủ hình dáng khác nhau, từ tòa nhà, hình thù động vật, ô tô, mô phỏng tàu hỏa, dụng cụ làm việc...
Vốn là thợ thủ công dày dặn kinh nghiệm trong nghề đóng quan tài, ông Joseph Ashong (còn gọi với cái tên Paa Joe) cho biết, đây là một công việc nghiêm túc ở Ghana.
Ông đã làm nghề suốt hơn 50 năm. Nhớ lại ngày đầu trong sự nghiệp, Paa Joe cho biết: "Từ năm 1962 khi 15 tuổi, tôi bắt đầu học việc chỗ chú để làm quan tài. Đến năm 1974, tôi bắt đầu lập nghiệp".
Xưởng làm quan tài của ông Paa Joe rất đa dạng về kiểu dáng và chủng loại gỗ. Ông từng bán ra nước ngoài với giá từ 5.000 USD - 15.000 USD. Gỗ gụ hoặc một số loại gỗ cứng cao cấp được sử dụng để bảo vệ quan tài khỏi côn trùng và nứt vỡ. Tuy nhiên, với khách hàng địa phương, ông sẽ lấy vật liệu rẻ hơn để làm, nhưng có giá thấp nhất 1.000 USD/ chiếc.
"Nó phụ thuộc vào từng chi tiết trên quan tài. Tôi có thể tạo ra một chiếc giày khổng lồ, động vật, hay mô phỏng người. Ở Ghana, người dân tin tưởng rằng những chiếc quan tài này sẽ đưa họ tới một khởi đầu mới ở bên kia", ông Paa Joe nói.
Những năm gần đây, nhiều mẫu quan tài sinh động của Ghana thu hút sự quan tâm của người nước ngoài nên các xưởng thiết kế cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn.
Năm 1989, những chiếc quan tài của Ghana từng xuất hiện trong triển lãm Musee National Keyboard Moderne ở Paris, Pháp. Hiện du khách có thể chiêm ngưỡng chúng trong Bảo tàng đám tang quốc gia tại thành phố Houston, Mỹ.
Về phần mình, ông Paa Joe tin rằng quan tài cũng như một tác phẩm đậm chất nghệ thuật, phản ánh nét văn hóa của người Ghana. Bởi vậy, ông hi vọng sẽ có những truyền nhân tiếp nối phát triển nghề nghiệp của mình để không bị mai một theo thời gian.