Bộ phim xoay quanh những trận đánh cuối cùng trước khi quân dân Thủ đô rút khỏi Hà Nội năm 1947 lên chiến khu, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, nhưng một số người vẫn chọn ở lại Hà Nội, bởi họ yêu quê hương Tổ quốc theo cách của riêng mình. Và chính những con người ấy đã cùng nhau kể một câu chuyện vừa bi tráng vừa lãng mạn về "tâm hồn Hà Nội" trong khói lửa.
Nhìn những người con của Hà Nội trong lửa đạn, tôi bỗng nghĩ đến chiếc áo trấn thủ, như biểu tượng của tình quân dân thắm thiết một thời. Tìm về các tài liệu tôi được biết, áo trấn thủ ra đời tháng 12 năm 1946 trong bối cảnh đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế, chiến sĩ ta phải ăn đói, mặc rét, quân đội còn nhiều thiếu thốn.
Bởi vậy, mùa Đông năm 1946, khi những đợt gió lạnh đầu tiên tràn tới Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáng kiến phát động phong trào may áo rét cho chiến sĩ, Chính phủ kêu gọi Nhân dân hưởng ứng phong trào “Mùa Đông binh sĩ”. Hưởng ứng phong trào, Quân nhu Cục - tiền thân của ngành Quân nhu Tổng cục Hậu cần, cùng với các nhà may ở phố Hàng Trống, Hà Nội, đã nghiên cứu sản xuất ra áo trấn thủ giản dị ấm áp và thuận tiện khi hành quân cũng như chiến đấu.
Kiểu áo trấn thủ ra đời nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong Nhân dân và được cán bộ, chiến sĩ rất ưa chuộng. Trong hoàn cảnh ấy, phong trào toàn dân may áo trấn thủ ủng hộ bộ đội diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và thực sự trở thành một cuộc vận động quần chúng rộng khắp.
Chỉ tính riêng hai ngày 16 và 17 tháng 11 năm 1946, Nhân dân Thủ đô đã quyên góp được trên 30 vạn đồng Đông Dương và một số len, bông đủ làm trên 50.000 lõi bông và vỏ áo trấn thủ. Nhiều liên đoàn thợ may của thành phố đã xung phong đảm nhận khâu may hàng vạn bộ áo trấn thủ không lấy tiền. Dưới sự tham gia giúp đỡ nhiệt tình của Nhân dân, mùa Đông năm 1947 ngành Quân nhu quân đội đã nhận được rất nhiều áo trấn thủ của các tầng lớp Nhân dân ủng hộ, cho thấy tình cảm yêu mến thắm thiết giữa dân quân.
Với phong trào “Mùa Đông binh sĩ”, đã đưa đến sự ra đời áo trấn thủ, là biểu tượng sức mạnh của tình “quân - dân như cá với nước” trong những năm tháng hào hùng, gian lao mà anh dũng của dân tộc Việt Nam, góp phần khắc họa hình ảnh đẹp về anh bộ đội Cụ Hồ trong lòng Nhân dân của một thời oanh liệt chống thực dân Pháp.
Và thông qua chiếc áo trấn thủ, chúng ta như cảm nhận được hơi thở của cuộc kháng chiến, khi cả dân tộc đều chung sức, đồng lòng hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả đều dành cho kháng chiến.
Giờ đây, nhắc đến chiếc áo trấn thủ, tôi nhận thấy không chỉ đơn thuần là trang phục quân đội mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử. Hình ảnh người chiến sĩ Vệ quốc đoàn đội mũ ca lô, mặc áo trấn thủ, đi dép cao su… đã trở thành một biểu tượng văn hóa trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Hình ảnh gợi nhắc đến lớp thanh niên hào hoa của Hà Nội nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung khi phải rời xa Hà Nội lên Việt Bắc kháng chiến, để 9 năm sau có ngày trở về giải phóng Thủ đô vào ngày 10/10/1954. Đó là biểu tượng niềm tin tất thắng của toàn dân tộc Việt Nam, của niềm tin yêu và tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Đảng, của Hồ Chủ tịch kính yêu trong cuộc trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!