Được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, Thành cổ Sơn Tây là tòa thành quân sự bằng đá ong độc đáo nhất Việt Nam.
Trải qua 200 năm, đến nay, Thành cổ Sơn Tây vẫn được bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự, khoa học.
Tòa thành quân sự đá ong độc đáo
Theo cuốn sách "Thành cổ Sơn Tây" của Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây, Sơn Tây xưa là một trong “tứ trấn”, nằm phía Tây Kinh đô Thăng Long, gọi là trấn Đoài, vùng “địa linh nhân kiệt,” có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, chứa đựng nhiều dấu tích phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất, trung dũng, kiên cường của nhân dân trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Sơn Tây luôn có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là một trong những lũy thép bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa cũng như Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Có nhiều năm nghiên cứu khảo cổ về Thành cổ Sơn Tây, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín cho rằng Thành cổ Sơn Tây là đại diện cho một thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc chiếm đất làm thuộc địa diễn ra hầu khắp trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, Thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích tốt nhất, minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ ở phía Bắc, vì hầu hết các tòa thành khác đã cơ bản mất hết dấu tích hoặc không dễ dàng tiếp cận dấu tích còn lại.
Thành được xây đắp hoàn toàn bằng đá ong - loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở xứ Đoài.
Thành cổ Sơn Tây có mặt bằng tổng thể hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 400m. Tổng diện tích khoảng 16ha. Theo các tư liệu cũ, khi tường thành chưa bị phá hủy, đây là một công trình khá đồ sộ với chiều cao trung bình khoảng 5m, chân thành rộng 6m, mặt thành rộng 4m.
Xung quanh thành có hào sâu 3m, rộng 20m, chu vi khoảng 2.000m. Hào hộ thành được nối thông với sông Tích Giang tại góc phía Tây Nam thành. Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và cửa Hậu.
Thành có bốn cửa quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông lần lượt có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh hay còn gọi là vọng lâu, ngoài ra bề mặt thành có nhiều lỗ phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài.
Bên trong thành cổ có các kiến trúc quan trọng nhất là kỳ đài và điện Kính Thiên (Vọng cung). Kỳ đài cao 18m, là nơi thượng cờ và là đài quan sát của binh lính. Ðiện Kính Thiên được sử dụng như là hành cung của nhà vua khi tuần giá xứ Ðoài. Trước kia, tại khu vực này còn có dinh Tổng đốc, Bố chính, Án sát, kho tiền, nhà chứa vũ khí, kho lương thực…
Trong cuốn hồi kí viết vào tháng 4 năm 1884, viên bác sỹ quân đội viễn chinh Pháp là Charles Edouard Hocquard cũng đã mô tả khá chi tiết về kiến trúc trong thành Sơn Tây như sau: “... Bên trong, giữa thành có một tháp cao 18m (tức cột cờ). Còn lại là hành cung, nhà ở của các quan tỉnh và kho lương. Phía trước tháp có 2 bể nước lớn hình vuông, xung quanh xây gạch và lan can bảo vệ. Theo người ta nói lại, trước đây một bể chứa nước dùng cho quân đồn trú, còn một bể dùng nuôi cá phục vụ bữa ăn..."
Người dân trong vùng tự hào về thành cổ Sơn Tây qua câu ca: "Thành Sơn cổ kính lừng danh - Vọng cung, Võ miếu tường thành hiên ngang."
Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo, ngay từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích. Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bảo tồn giá trị Thành cổ Sơn Tây
Hiện nay, thành cổ đá ong Sơn Tây đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc quân sự độc đáo thu hút khách tham quan.
Vào mùa xuân, đến thăm thành cổ Sơn Tây, du khách sẽ được ngắm nhìn hàng cây cơm nguội khoe lá mới. Tháng 3 hoa gạo nở đỏ rực. Thu tới những hàng bồ kết dại tỏa sắc vàng. Thành cổ Sơn Tây còn được ví như công viên giải trí, lá phổi xanh nằm giữa lòng đô thị với thảm thực vật phong phú.
Bước dọc theo con đường bao quanh tường thành, du khách có thể thảnh thơi nghe tiếng chim hót trên những tán cây cổ thụ. Đáng chú ý, tường thành chỗ màu nâu đỏ của đá ong, chỗ cây dại mọc kín tạo nên nét đẹp cổ kính, mê đắm lòng người. Mặc dù không tách biệt hẳn với phố phường thị xã Sơn Tây nhưng chỉ cần đi vào khuôn viên của Thành cổ đã cảm thấy một bầu không khí yên bình, trong lành, cách xa sự ồn ào náo nhiệt.
Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) được tổ chức vào ngày 12/11 là sự kiện quan trọng nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh kích cầu du lịch, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết địa phương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng di sản, như hình thành tuyến phố đi bộ Thành cổ; tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học uy tín; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ-Văn Miếu-đền Và-Đường Lâm”…
Ngoài ra, việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho Thành cổ Sơn Tây cũng là một trong những nhiệm vụ địa phương hướng tới, thiết thực kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, góp phần khẳng định vai trò, vị trí di sản và nâng cao hiệu quả giáo dục, tuyên truyền, thúc đẩy ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết nhân dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã được tổ chức như trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây; trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật trong Thành cổ, thư pháp, diễn xướng hát văn; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại trung tâm thị xã… Cùng với đó là hoạt động quảng bá du lịch trên địa bàn thị xã nhằm thu hút du khách về với vùng đất "địa linh nhân kiệt"./.