Tủa Chùa là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên phủ 118km, với vị trí giáp với các tỉnh Lai Châu, tỉnh Sơn La, huyện Mường Chà, Tuần Giáo. Tủa Chùa với 7 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Dạo, Phù Lá và Xạ Phang trong đó dân tộc Mông chiếm tới 73%. Chính vì thế, nơi đây là chiếc nôi văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất hùng vĩ, sừng sững những núi đá tai mèo và ruộng bậc thang mêng mông bát ngát.
Tủa Chùa cũng được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Đây còn là địa phương rất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với những điểm nhấn ấn tượng như: Rừng thông xã Trung Thu, rừng chè Tuyết Shan cổ thụ Sín Chải, rừng hoa ban Tà Si Láng, cao nguyên đá cổ Tả Phìn… Hệ thống hang động kỳ vĩ với vẻ đẹp hoang sơ rất thuận lợi để phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá.
Người dân vùng cao đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa để bán mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình.Hiện nay, Tủa Chùa có 4 hang động được công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia gồm, hang Xá Nhè, hang Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang pê Răng Ky (xã Huổi Só), hang Thẳm Khến, xã Mường Đun… Tủa Chùa cũng là địa phương có hệ thống ruộng bậc thang đa dạng, độc đáo, đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc, tiêu biểu là hệ thống ruộng bậc thang tại cánh đồng Chiếu Tính (xã Tả Phìn), ruộng bậc thang Đề Dê Hu (xã Sính Phình) và cánh đồng mâm nổi tiếng tại Háng Khúa (xã Sín Chải).
Đặc biệt là “Phiên chợ vùng cao”- nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần, là một nét đẹp văn hoá độc đáo mang đặc trưng của huyện miền núi này. Phiên chợ tại trung tâm thị trấn Tủa Chùa thường được diễn ra trong ngày Chủ nhật. Người dân vùng cao đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa để bán mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình.
Tại chợ phiên, mọi người tụ họp rất đông, dù cho đường xa cách trở, đi lại khó khăn nhưng từng dòng người cứ nối tiếp nhau, mang theo nào là hàng hóa từ trang phục thổ cẩm đến các mặt hàng nông sản, vật dụng gia đình. Các mặt hàng ở đây thật đặc biệt, hầu hết đều là “cây nhà lá vườn”, do những người dân tự trồng, chăm sóc hay hái trong vườn nhà, nương, đồi, trên rừng như: rau củ, măng khô, mộc nhĩ, mật ong, trâu, bò, lợn,... và không thể thiếu những đặc sản của người dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa đó là gà thịt xương đen và rượu Mông Pê nấu từ ngô và mem lá rừng.
Các sản vật địa phương được bày bán tại chợ phiên.Bên cạnh đó, thổ cẩm cũng là mặt hàng phổ biến nhất bày bán ở chợ phiên Tủa Chùa. Đồng bào mang đến chợ những bộ quần áo, chiếc váy, cái khăn, túi đeo chéo, đôi giày đều được thêu thủ công tỉ mỉ. Từng nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục vô cùng tinh xảo, cầu kỳ, màu sắc kết hợp hài hòa tạo nét riêng cho mỗi dân tộc.
Từ tháng 10/2022, chợ đêm Tủa Chùa chính thức hoạt động vào tối thứ Bảy hằng tuần. Đến chợ đêm Tủa Chùa, du khách còn được hòa mình vào không gian văn hóa với chương trình nghệ thuật đặc sắc do các đội văn nghệ quần chúng trong huyện biểu diễn. Để phiên chợ thêm phần náo nhiệt, hàng tuần, các xã, thị trấn và trường học trên địa bàn sẽ thay nhau lên ý tưởng, tập luyện và biểu diễn một chương trình nghệ thuật mang những nét độc đáo riêng của vùng đất Tủa Chùa. Đó là những tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông, điệu xòe của đồng bào dân tộc Thái… Tất cả tạo nên không khí nhộn nhịp, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ngoài ra, đến chợ đêm, du khách còn được trải nghiệm không gian ẩm thực vùng cao với những món ăn như thắng cố, dê núi, rượu Mông Pê… Những gian hàng ẩm thực luôn thu hút người dân và khách du lịch thưởng thức vào mỗi buổi tối cuối tuần. Nhiều du khách lần đầu đến với khu chợ đêm đều háo hức và thích thú khi được hòa mình vào không khí nhộn nhịp, tấp nập ở phố núi, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng cao hay mua sắm những sản vật nổi tiếng của Tủa Chùa.
Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, dù mới được hình thành và đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng chợ đêm Tủa Chùa đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, là sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Lượng khách tới chợ tăng theo tuần, cho thấy sức hấp dẫn và thu hút của chợ đêm đối với khách du lịch ngày càng lớn. Trong quá trình khai thác, huyện đã có những cải tiến để thu hút ngày càng đông du khách đến trải nghiệm. Trong đó, địa phương giao các xã luân phiên lên ý tưởng, tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, UBND tỉnh Điện Biên đã công nhận Chợ phiên Tủa Chùa trở thành điểm du lịch. Việc công nhận Chợ phiên Tủa Chùa trở thành điểm du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan trải nghiệm./.