- Ở xứ sở hoa anh đào
Những ý kiến như vậy không đúng sự thực bởi vì Iran là một quốc gia rất an toàn với tỷ lệ tội phạm thấp, nội bộ chính trị khá ổn định và không hề có nguy cơ khủng bố. Và mặc dù tên của Iran nghe hơi giống tên Iraq, hai quốc gia láng giềng này rất khác biệt về mặt dân tộc, văn hóa và lịch sử: trong khi người Iraq thuộc sắc tộc Ảrập, người Iran chủ yếu có nguồn gốc Ba Tư, một nền văn minh rất giàu lịch sử.
Thời cổ đại, Ba Tư là một đế chế rất hùng mạnh với những thành phố tráng lệ mà dưới thời Cyrus Đại đế (thế kỷ 6 TCN) là đế chế rộng lớn nhất thế giới. Ngày nay, Iran là một cộng hòa Hồi giáo được sáng lập sau cuộc cách mạng năm 1979 và đa số dân là người Hồi giáo, nhưng người Ba Tư vẫn giữ kỷ niệm về di sản lịch sử thời tiền Hồi giáo.
Lần đầu tôi đến Iran vào hè 2008 và nước này gây ấn tượng mạnh với tôi đến nỗi tôi tìm đến một khóa học tiếng Ba Tư ở quê Serbia và say mê học ngôn ngữ này trong hai năm tiếp theo (tiếng Ba Tư thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu và dùng bảng chữ cái Ảrập được viết từ phải sang trái). Năm 2009 tôi đến Iran một lần nữa và không lâu sau đó tôi ra mắt cuốn sách du ký ''Ezan'' về những trải nghiệm của tôi ở Iran và các nước khác của Trung Đông. Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, vì tình yêu lớn mà tôi dành cho đất nước này, đại sứ quán Iran ở Serbia muốn trao cho tôi học bổng đi du học ở Iran, nhưng cuối cùng tôi quyết định đi du học ở Latvia và không còn tìm cơ hội quay trở lại xứ sở Ba Tư mà từ xưa đến nay tôi rất yêu mến.
Các du khách không chỉ phải lòng Iran vì di sản lịch sử văn hóa phong phú (hiện nay, Iran có 18 di sản văn hóa do UNESCO công nhận), không chỉ vì kiến trúc Hồi giáo, những thánh đường đẹp nao lòng, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ hay vì ẩm thực tuyệt ngon: điều ấn tượng nhất chính là người Iran, một dân tộc vô cùng nhiệt tình và giàu tình cảm.
Họ vừa có học vị và hiểu biết cao, vừa lịch sự tao nhã, coi trọng liên kết xã hội và sự gần gũi của người với người. Do các loại rượu bia bị nghiêm cấm theo luật Hồi giáo, người Iran không tụ tập trong các quán nhậu mà thích đi dã ngoại ở thiên nhiên, quây quần bên nhau trên một cái thảm và trò chuyện say sưa, bàn luận điều này điều kia. Người Iran có một tinh thần cởi mở và tự do đến lạ lùng.
Là một cộng hòa Hồi giáo, Iran có một thể chế chính trị bảo thủ và đàn áp, vốn kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt của người dân. Luật pháp yêu cầu phái nữ phải đội khăn trùm đầu nơi công cộng, mặc quần áo rộng và không diện bó sát cơ thể, còn đàn ông không được mặc quần đùi. Yêu một người trước hôn nhân được coi là hành vi sai quấy và các cặp đôi phải che giấu tình cảm ở ngoài đường.
Tuy nhiên, người Iran đã tìm cách để thích nghi và sống chung với các luật nghiêm ngặt, họ sinh hoạt khá ''bình thường'' trong nhà, đằng sau các cánh cửa đóng kín và xa ánh mắt soi mói của chính quyền. Bản thân tôi từng dự một vài bữa tiệc giữa bạn bè tại nhà riêng và về bản chất, những bữa tiệc ấy không mấy khác biệt với phương Tây: những nam nữ ăn mặc và giao tiếp với nhau một cách thoải mái không hề bị kiềm chế, họ thậm chí uống rượu bia.
Theo ý kiến của nhiều du khách, người Iran có lẽ là quán quân thế giới về lòng hiếu khách. Phẩm chất này của người Iran đã trở nên huyền thoại trong cộng đồng người đi du lịch và thường khiến nhiều người sửng sốt. Không hề nói ngoa, người Iran đua nhau kết bạn và chiều chuộng khách nước ngoài, mời họ đi ăn, thậm chí mời họ sang nhà mình ngủ.
Người Iran thấy vinh dự khi có cơ hội tiếp đón khách tại nhà mình nên tôi từng chứng kiến những trường hợp khi họ ''bắt'' du khách trả phòng khách sạn để được ngủ tại nhà họ! Người Iran cư xử như thế không chỉ vì rất tò mò về những khách nước ngoài hiếm hoi, họ còn rất muốn cho họ biết rằng người Iran là một dân tộc thân thiện, văn minh và yêu hòa bình.
Cũng vì sự thân thiện này tôi đã dành hơn ba tuần ở thủ đô Tehran dù nó là một thành phố hiện đại và thiếu bản sắc lịch sử. Thay vì đi tham quan các danh lam thắng cảnh như thường lệ, tôi dành toàn bộ thời gian cùng với những bạn bè Iran, giao lưu và dạo chơi với họ, tìm hiểu về văn hóa và cuộc sống hàng ngày của họ. Trước khi tôi về nước, các bạn Iran thậm chí tổ chức một buổi dã ngoại để từ biệt chia tay tôi.
Tôi phải nói rằng bất chấp các căng thẳng chính trị, giới trẻ Iran không ghét các nước Âu Mỹ mà ngược lại, họ nỗ lực để thấm nhuần và noi theo văn hóa phương Tây và phần lớn người trẻ nói tiếng Anh khá tốt. Dù cuộc Cách mạng 1979 đã thiết lập thể chế thần quyền (với giới tăng lữ cầm một bộ phần quyền), ngày nay nhiều người Iran không mộ đạo như nhiều dân tộc Hồi giáo khác ở Trung Đông và họ khao khát sống tại một xã hội tự do và hiện đại. Song họ vẫn rất hãnh diện về văn hóa và lịch sử lâu dài của đất nước mình và một thí dụ tiêu biểu là thơ cổ Ba Tư: họ tôn sùng các thi hào huyền thoại như Ferdowsi, Saadi, Hafez, Rumi hay Khayyam đến nỗi các ngôi mộ của họ thu hút hàng nghìn hầm mộ mỗi năm.
Bên cạnh đó, người Iran yêu thời trang (bất chấp các hạn chế về phong cách ăn mặc nơi công cộng) và rất để tâm đến sắc đẹp. Nhiều cô gái Iran trang điểm kỹ mỗi khi ra ngoài đường và cố gắng phô bày khuôn mặt xinh đẹp của mình một cách tinh tế nhất. Một điều kỳ cục mà tôi nhận thấy ở Iran là rất nhiều người trẻ có một chiếc băng dán ngang mũi.
Chiếc băng này chứng tỏ rằng họ từng nâng mũi và nhiều khi họ đeo băng này rất lâu sau phẫu thuật để cho người ta biết họ đã trải qua một cuộc chỉnh sửa. Theo số liệu thống kê, Iran là nước đứng đầu thế giới về sửa mũi, điều cho thấy giới trẻ ngày một ám ảnh về thẩm mỹ. Không kém đáng ngạc nhiên, Iran cũng đứng thứ hai thế giới về số lượng ca phẫu thuật chuyển đổi giới, chỉ sau Thái Lan.
Đồng tính luyến ái là một tội bị tử hình theo luật Iran nên những người đồng tính bị thúc giục thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới, việc không chỉ hoàn toàn hợp pháp mà còn được nhà nước trợ cấp một nửa chi phí.
Tại Iran, tôi đã đến thăm những thành phố nổi tiếng đầy những công trình và khu phố cổ xưa, di sản của một quá khứ vàng son thịnh vượng thời con đường Tơ lụa. Trong đó, thành phố Isfahan lừng lẫy và đẹp mê hồn đến nỗi người Ba Tư gọi nó là ''một nửa của thế giới''. Tại đấy, tôi nhìn thấy những cầu cổ, cung điện và thánh đường được coi là những tuyệt tác hàng đầu của kiến trúc Hồi giáo.
Tôi thấy ấn tượng nhất bởi quảng trường Naghsh-e Jahan dài gần bằng năm sân bóng đá với những đài phun nước, bãi cỏ và công trình đồ sộ và hoành tráng. Sự huy hoàng của quảng trường khiến cho tôi liên tưởng về xứ sở Ba Tư, một trong những nền văn minh lâu đời và vĩ đại nhất thế giới, hiện là quốc gia có 80 triệu dân với diện tích lớn hơn nước Đức gấp bốn lần.
Điểm đến cuối cùng của tôi là tàn tích của Persepolis, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ''thủ đô của Ba Tư''. Tàn tích của Persepolis là nhân chứng của một đế chế từng cho là hùng mạnh nhất thế giới. Vào thời bấy giờ, Persepolis là một thành phố lộng lẫy với các cung điện, dinh thự và sảnh đường nguy nga. Nhưng sự vinh quang của Persepolis kéo dài chỉ hai thế kỷ đến khi Alexander Đại đế xâm lược Ba Tư. Năm 330 trước công nguyên, Alexander cướp phá và đốt cháy Persepolis, có lẽ để báo thù việc Hoàng đế Xerxes I đã từng thiêu trụi vệ thành Athens 150 năm trước đó. Khi đứng lẻ loi một mình giữa đống tàn tích vắng tanh, tôi chỉ cảm thấy buồn tiếc cho số phận của Persepolis và cho tình hình hiện tại đáng lo ngại của Iran, một đất nước tuyệt đẹp phải chật vật gồng mình vượt qua nhiều thách thức.