1/ Cây canh châu là gì?
Khi nhà có trẻ bị thủy đậu, bệnh sởi hoặc lở ngứa thì phụ huynh thường được khuyên nên tìm mua hoặc chặt cây canh trâu về nấu nước uống, tắm cho trẻ. Vậy cây canh châu là gì? Ở các vùng miền khác nhau nó được gọi như thế nào? Mọc ở đâu….
a/ Tên khoa học, tên khác
Cây canh châu có tên khoa học là Sageretia theezans (L.) Brongn. (Rhamnus theezans L.), thuộc họ táo ta Rhamnaceae. Cây còn được gọi với nhiều cái tên khác như chanh châu, trân châu, kim châu, khan slan (Lạng Sơn), xích chu đằng, tước mai đằng.
b/ Mô tả cây
Về đặc điểm hình thái bên ngoài, cây chanh châu là một cây nhỏ có cành mang gai ngắn, cành non hơi có lông. Phần lá dai cứng mọc đối ở phía trên và mọc cách phía dưới. Phiến lá canh châu hình trái xoan dài 10cm, rộng từ 8-35mm, phía đầu nhọn hơi tù, phía cuống hơi tròn, mép có răng cưa nhỏ.
Hoa của loại thảo dược này mọc thành bông ở ngọn hay kẽ lá. Khi còn non có phủ lông mịn, khi sắp nở bông dài từ 2.5-5cm, đài hoa màu lục trắng, cánh hoa nhỏ hơn đài hoa rất nhiều. Mùa ra hoa tháng 7 - 10, kết quả tháng 12 - 3. Quả hình cầu, đường kính 4-6mm, khi non có màu xanh hoặc hơi ngả màu đỏ hồng, khi chín có màu đen nhạt, còn vòi và đài tồn tại. Mỗi quả có 1-3 hạt, vỏ ngoài màu xám nhạt, nhẵn bóng.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Canh châu thường mọc ven rừng, dọc theo bờ suối nơi ẩm, xen với các loại cây bụi khác ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Ngày nay, nhiều gia đình còn trồng cây canh châu quanh vườn làm bờ rao vì cây không quá cao, có gai, lành tính. Một số người cũng tiến hành tạo tán để tạo thành những cây cảnh đẹp. Ngoài Việt Nam, canh châu cũng mọc nhiều ở miền Nam Trung Quốc (Quảng Châu), Ấn Độ….
d/ Bộ phận dùng
Canh châu lành tính, an tòan cho sức khỏe. Quả canh châu có vị chua, khi chín hơi ngọt nên nhiều nơi trẻ em thường lấy quả để ăn. Lá non nấu canh ăn được. Do đó, vào mùa hè, bà con thường lấy lá dùng riêng hoặc phối hợp với các loại lá có khả năng thanh nhiệt giải độc khác như lá vối để làm nước uống thay trà, vừa giải khát, vừa phòng bệnh sởi, thủy đậu (bệnh canh châu). Tuy nhiên, bộ phận dùng làm thuốc của cây canh châu là lá, cành và rễ.
e/ Thành phần hóa học
Chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu.
f/ Thu hái chế biến
Người ta thường thu hái lấy lá tươi hoặc chặt cả cành có lá vào mùa xuân hạ, đào lấy rễ vào mùa đông đêm phơi hoặc sấy khô để bảo quản dùng dần.
2/ Công dụng cây canh châu
Hiện chưa có công trình nghiên cứu hiện đại nào được thực hiện về cây canh châu nhưng kinh nhiệm dân gian cho thấy thảo dược này có nhiều công dụng cho sức khỏe và tính ứng dụng vào đời sống con người. Đông y cho rằng canh châu có vị đắng hơi chua, tính mát và khả năng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết để điều trị thủy đậu, bệnh sởi, hỗ trợ làm lành vết thương, chữa rôm sảy, mụn nhọt…. Do đó, người ta thường lấy cành lá canh châu tươi hoặc khô để sắc lấy nước cho trẻ bị sởi hoặc thủy đậu uống.
Tuy nhiên, do chanh châu có tính mát và khả năng thanh nhiệt nên người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng, không nên dùng đơn thuốc canh châu bằng đường uống. Nếu dùng thì cần có sự tư vấn của bác sĩ, lương y.
3/ Cách dùng cây canh châu để phòng trị bệnh
Chữa trẻ nhỏ lên canh châu (thủy đậu): Để làm giảm các nốt thủy đậu, giúp bệnh mau lành, hạn chế để lại seo rỗ thì phụ huynh có thể lấy 12 - 16g canh châu. Cho vào nồi với 300 - 400ml nước rồi sắc còn khoảng 200ml. Chia thuốc thành 2 - 3 lần uống, uống liền 1 - 2 ngày cho bệnh giảm.
Hỗ trợ điều trị sởi: Với chứng bệnh này, bạn cần chuẩn bị cành và lá canh châu 20g, tầm gửi cây khế 18g, sắn dây 12g và hương nhu, cam thảo dây, hoắc hương mỗi vị 8g. Đem tất cả các vị thuốc rửa sạch, cho vào ấm, đổ thêm 400ml nước vào, sắc nhỏ lửa cho còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày. Ngoài ra, có thể lấy lá canh châu nấu nước tắm hàng ngày.
Thúc sởi mọc nhanh: Để thúc sởi mọc nhanh, mau lành thì có thể dùng bài thuốc từ canh châu với nguyên liệu là rễ canh châu 30g thái mỏng (hoặc lá 40g), 500ml nước. Đem canh châu đi rửa sạch, cho vào nồi với nước và sắc nhỏ lửa còn 300ml. Chia nước thuốc làm 3 lần, uống trong ngày.
Chữa vết thương chảy máu: Những vết thương lớn thường chảy máu nhiều, gây mất máu cấp với những biến chứng nguy hiểm nên người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay. Tuy nhiên, với những vết thương chảy máu ít, miệng vết thương nông, hẹp thì bạn hoàn toàn có thể xử lý tại nhà bằng chanh châu. Chỉ cần chuẩn bị lá chanh châu, lá đuôi tôm mỗi thứ 1 nắm nhỏ tầm 20g, đinh hương 1 nụ. Đem tất cả rửa sạch, để ráo nước và giã nhỏ đắp vào vết thương. Ngày có thể đổi lá thuốc vài lần, đắp 2 - 3 ngày cho vết thương liền miệng thì thôi.
Chữa ngứa rôm sảy, mụn nhọt: Nhiều người khi trời nóng thường bị nổi rôm sảy, mụn nhọt gây ngứa. Những lúc này có thể lấy cành lá canh châu 24g, lá đơn đỏ 10g và hạ khô thảo, rễ cỏ xước, bồ công anh mỗi thứ 20g. Đem tất cả các vị rửa sạch, cho vào ấm, thêm 750ml nước, sắc nhỏ lửa còn 200ml. Chia nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày, dùng liền trong 5 ngày.
Chữa ghẻ nước: Người ghẻ nước chỉ cần lấy cành lá canh châu 1 nắm to, đổ ngập nước nấu cô đặc để ngâm rửa vết thương thì sẽ thấy hiệu nghiệm. Khi ngâm nên ngâm ở nhiệt độ vừa phải để chân không bị bỏng mà vẫn đạt hiệu quả tối ưu.