Sử dụng thuốc tẩy giun có thể giúp loại bỏ giun hoặc các ký sinh trùng có hại cho cơ thể đồng thời tăng cường lợi khuẩn, thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp sử dụng thuốc tẩy giun đúng cách an toàn và hiệu quả qua bài viết dưới đây nhé.
1Tẩy giun là gì?
Giun là một nguồn bệnh phổ biến, có thể gây ảnh hưởng xấu cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Tẩy giun là một phương pháp loại bỏ giun hoặc ký sinh trùng đường ruột bằng cách sử dụng thuốc tẩy giun.[1]
Tuy vậy, không phải ai cũng cần tẩy giun. Việc tẩy giun được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích cho trẻ em sống ở vùng dịch bệnh:[2]
- Một lần/năm khi tỷ lệ giun ký sinh lây truyền trong cộng đồng trên 20%.
- Hai lần/năm khi tỷ lệ giun ký sinh lây truyền trong cộng đồng là 50%.
Tẩy giun là cách loại bỏ giun hoặc ký sinh trùng đường ruột bằng thuốc
2Giun đường ruột là gì?
Giun là loài ký sinh vào ruột của con người để lấy dinh dưỡng và duy trì sự sống của chúng. Từ đó khiến người bị nhiễm giun gặp tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu và chậm phát triển. Trên toàn thế giới có hàng trăm loại giun có thể lây nhiễm sang người, trong đó loại phổ biến gồm giun đũa, sán dây, giun tóc, giun móc và giun kim.
Tình trạng nhiễm giun có thể lây lan trong cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực nghèo và điều kiện vệ sinh kém. Con người bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột nếu nuốt phải trứng, ấu trùng hoặc giun trưởng thành sống trong thức ăn, đồ uống chưa làm sạch, đất và phân ô nhiễm.[1]
Giun là loài ký sinh vào ruột của con người để lấy dinh dưỡng và duy trì sự sống
3Các triệu chứng của nhiễm giun đường ruột là gì?
Nhiễm giun móc
Hầu hết khi bị nhiễm giun móc đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, tại khu vực thành ruột nơi giun bám vào có thể gây chảy máu, lâu dần dẫn đến nhiễm trùng mãn tính và gây ra tình trạng:
- Thiếu máu và thiếu sắt.
- Đau bụng, tiêu chảy nhẹ.
- Da đỏ, ngứa và phát ban tại chân, khu vực ấu trùng xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra khi bị nhiễm giun móc có thể gặp các triệu chứng như:
- Chứng thèm ăn và cân nặng lại sụt giảm sau vài tuần.
- Suy dinh dưỡng.
- Ấu trùng có thể di chuyển qua phổi khiến phổi bị viêm và gây sốt ho, thở khò khè mặc dù tình trạng này rất hiếm gặp.[1]
Da đỏ, ngứa và phát ban là dấu hiệu khi bị giun móc xâm nhập vào cơ thể
Nhiễm giun đũa
Khi bị bệnh giun đũa ở đường ruột, bạn có thể cũng không có bất kỳ triệu chứng nào như khi nhiễm giun móc. Tuy nhiên, khi nhiễm giun đũa bạn có thể thấy giun sống trong phân và đôi khi gặp các triệu chứng:[1]
- Ho, sốt, thở khò khè.
- Bồn chồn.
- Đau bụng, nôn mửa.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Suy dinh dưỡng.
Khi nhiễm giun đũa bạn có thể thấy giun sống trong phân
Nhiễm sán dây
Tương tự nhiễm các loại giun khác, người nhiễm sán dây đường ruột khi mới bắt đầu thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Nếu xuất hiện các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào loại và vị trí nơi ấu trùng sán dây di chuyển.
Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào loại và vị trí nơi ấu trùng sán dây di chuyển
4Những dấu hiệu cho biết đã đến lúc tẩy giun
Bạn nên tiến hành tẩy giun cho người thân và trẻ em trong gia đình khi xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Đau bụng thường xuyên tại khu vực quanh bụng và lỗ rốn, bụng to và căng.
- Chán ăn, bỏ bữa.
- Sụt cân, da xanh xao và thường cảm thấy mệt mỏi.
- Trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc rắn.
- Trẻ ngủ không sâu, thường quấy khóc về đêm.
- Đặc biệt, dấu hiệu điển hình khi nhiễm giun kim là ngứa hậu môn.
Bạn nên tẩy giun khi đau bụng thường xuyên tại khu vực quanh bụng
5Đối tượng nào nên tẩy giun?
Mọi người trong gia đình, cả người lớn và trẻ nhỏ đều nên được tẩy giun. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường có nhiều nguy cơ nhiễm giun cao hơn người lớn vì trẻ nhỏ không có ý thức tự vệ sinh cá nhân, có thói quen mút đầu ngón tay chưa được rửa sạch nên rất dễ bị nhiễm giun kim.
Đối với những người sống ở khu vực vệ sinh kém, nhiều ô nhiễm và có thói quen đi chân trần dưới đất cũng rất dễ bị nhiễm giun móc, giun tròn, giun roi. Ngoài ra, người lớn làm những nghề có nguy cơ cao như hái chè hoặc thợ mỏ cũng là một trong các đối tượng nên thực hiện tẩy giun thường xuyên.
Trẻ nhỏ thường có nhiều nguy cơ nhiễm giun cao hơn người lớn
6Hướng dẫn sử dụng thuốc tẩy giun đúng cách và an toàn
Khi cần tẩy giun, bạn có thể lựa chọn một hoặc nhiều loại thuốc chống ký sinh trùng có phổ hoạt động rộng có thể loại bỏ nhiều loại giun đường ruột như:
Albendazol (Biệt dược Zentel):
Thuốc tẩy giun được sử dụng rộng rãi nhất và là phương pháp an toàn để điều trị giun đường ruột trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Albendazol được hấp thu rất kém qua đường tiêu hóa, nhưng nếu bạn dùng cùng thức ăn có chất béo sự hấp thu sẽ tăng lên đáng kể.
Theo Dược thư Quốc gia Việt Nam, bạn không cần phải nhịn đói hoặc tẩy trước khi sử dụng thuốc và có thể nhai, nuốt, nghiền hoặc trộn với thức ăn.
Liều dùng Albendazol để điều trị giun đũa, giun móc hoặc giun tóc, giun kim như sau:
- Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi: Uống 1 liều duy nhất 400 mg trong 1 ngày. Có thể nhắc lại sau 3 tuần.
- Trẻ em cho tới 2 tuổi: Uống 1 liều duy nhất 200 mg trong 1 ngày. Có thể nhắc lại sau 3 tuần.
Mebendazol (Biệt dược Fugacar):
Mebendazol được lựa chọn để điều trị nhiễm một hoặc nhiều loại giun đường ruột (giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc) và nhiễm giun ngoài ruột (giun xoắn, giun chỉ).
Cũng giống như Albendazol, Mebendazol hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, sự hấp thu có thể tăng lên đáng kể khi uống thuốc cùng với thức ăn có chất béo.
Bạn có thể nhai, nuốt, nghiền hoặc trộn thuốc cùng thức ăn với liều dùng như nhau cho trẻ em trên 2 tuổi và người lớn:
- Giun kim: Liều duy nhất 100mg và lặp lại sau 2 tuần, vì giun kim rất dễ bị tái nhiễm.
- Giun móc, giun đũa, giun tóc và nhiễm nhiều giun: Uống liên tiếp 3 ngày, mỗi ngày uống 2 lần sáng và tối, mỗi lần 100mg hoặc có thể dùng liều duy nhất 500mg. Có thể dùng lặp lại sau 2 - 3 tuần.
Tùy thuộc vào từng đối tượng sẽ có thời gian tẩy giun định kỳ khác nhau giúp giảm hoặc loại bỏ giun đường ruột, tránh trường hợp nhiễm giun chéo:
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn nên uống một viên và thực hiện tẩy giun 2 đến 3 lần/năm.
- Riêng đối với trẻ dưới 2 tuổi, hãy đưa trẻ đến bác sĩ và thực hiện tẩy giun đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn nghi ngờ nhiễm giun.
- Không sử dụng thuốc tẩy giun cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú, bệnh nhân suy gan hoặc có tiền sử mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
Albendazol là thuốc tẩy giun được sử dụng rộng rãi
7Thời điểm tẩy giun tốt nhất là khi nào?
Hiện nay, bạn có thể tẩy giun bằng thuốc tẩy giun bất cứ thời điểm nào, không nhất thiết phải yêu cầu để bụng đói. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất để tẩy giun vẫn nên uống vào sáng sớm, khi thức dậy với bụng đói hoặc sau bữa tối khoảng 2 tiếng.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc tẩy giun gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng và sốt. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào kéo dài hoặc gây khó chịu, hãy liên hệ đến bác sĩ để nhận được sự tư vấn và điều trị.
Hiện nay, bạn có thể tẩy giun bằng thuốc tẩy giun ở bất cứ thời điểm nào
8Cách ngăn chặn sự lây lan khi nhiễm giun
Thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật tốt là một biện pháp có thể ngăn chặn sự lây lan khi nhiễm giun:
- Đảm bảo mọi người, đặc biệt là trẻ em rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Thường xuyên vệ sinh bệ toilet và bồn cầu.
- Giữ móng tay cắt ngắn và sạch sẽ.
- Không ăn thịt sống hoặc nấu chưa chín kỹ.
- Rửa trái cây, rau củ, salad bằng nước thật sạch trước khi ăn.
- Đi dép lê để hạn chế giun lây nhiễm từ mặt đất.
Đảm bảo mọi người, đặc biệt là trẻ em rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
Hãy tẩy giun định kỳ đúng cách để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho các thành viên trong gia đình. Chia sẻ bài viết này nếu thấy hữu ích bạn nhé!